Ngày 18/2, tuyến đường sắt liên vận quốc tế tại ga Kép huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã chính thức đi vào hoạt động vận chuyển hàng hoá tới Trung Quốc, Nga, và các nước châu Âu.
Ga Kép là ga hạng 2, nằm tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, lý trình tại Km 68+700 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội (Yên Viên) - Đồng Đăng, là điểm bắt đầu của 2 tuyến đường Kép - Hạ Long - Cái Lân và tuyến đường Kép - Lưu Xá.
Ga có 9 đường, trong đó các đường 1, 2, 3, 4 là đường đón gửi, các đường 6,7,8,9 là đường xếp dỡ. Thiết bị phục vụ hàng hóa có 2 kho diện tích 1.200m2 và 2 bãi xếp dỡ nền đất diện tích 4.300m2; 1 bãi hàng bê tông diện tích 27.658 m2.
Trong năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc nâng cấp cải tạo và sửa chữa (giai đoạn 1) bãi hàng ga Kép (bãi hàng cạnh đường số 4, nằm tại phía Nam ga Kép có tổng diện tích 27.658m2), đảm bảo đủ điều kiện hoạt động vận tải liên vận quốc tế hàng hóa bằng đường sắt.
Cụ thể, bãi hàng diện tích 17.000m2 có kết cấu bê tông cốt thép đủ tiêu chuẩn chứa container; xe chở container, hàng nặng và cẩu chuyên dụng hoạt động. Tổng diện tích các phòng làm việc rộng 220m2, dự kiến bố trí 02 phòng với diện tích 90m2 để nhân viên hải quan làm việc; 01 phòng diện tích 40m2 làm việc cho cơ quan kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hệ thống tường rào bảo vệ quanh bãi hàng, cổng ra vào có hệ thống kiểm soát rộng 7,1m; có trạm biến áp công suất 630 KW để cung cấp điện cho hoạt động của bãi và cấp điện cho container lạnh; có hệ thống chiếu sáng và camera kiểm soát toàn bộ bãi hàng; và đã đầu tư 2 cẩu container chuyên dụng để phục vụ xếp dỡ hàng.
Ngày 19/1/2023 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép ga Kép được tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã làm việc với Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Bắc Giang để hoàn thiện các thủ tục liên quan và thống nhất các phương án chạy tàu.
Đồng thời, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo cho Tổ chức hợp tác đường sắt OSZD, đường sắt các nước và các đối tác.
Về phương án khai thác liên vận quốc tế tại ga Kép, trao đổi với PV Dân Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh cho biết: "Giai đoạn 1 (2023-2024), đường sắt tổ chức lập tàu liên vận quốc tế với bình quân 1,5-2 đôi/ngày tuyến Kép – Đồng Đăng – Bằng Tường; Tổ chức lập, giải thể, tiếp chuyển tàu nội địa Bắc Nam với 1 đôi/ngày".
"Dự kiến năng lực xếp dỡ bình quân/ngày 80-100 toa xe/container. Nguồn hàng khai thác là các hàng điện tử, công nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng; gỗ công nghiệp, quặng thô,...", ông Mạnh cho hay.
Khai thác đường sắt liên vận giai đoạn 2 (từ năm 2025), ông Mạnh cho hay: "Đường sắt sẽ xây dựng kho bãi ngoại quan để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận".
Cùng với đó là bãi hàng chuyên tiếp nhận container lạnh chuyển tải từ phía Nam ra tập kết, làm thủ tục hải quan và xếp vận chuyển bằng đường sắt xuất khẩu sang Trung Quốc. Năng lực dự kiến giai đoạn 2 tăng thêm 2-2,5 đôi tàu/ngày.
Ông Mạnh chia sẻ: "Việc bổ sung ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế là giải pháp nhằm giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và tại 2 ga liên vận quốc tế hiện đang khai thác là Yên Viên và Đồng Đăng, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa".
"Về lâu dài, sẽ thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, giảm chi phí logistics và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện", ông Cho biết.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức tại ga Kép các hoạt động lập tàu và đón tàu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế đến và đi từ các nước châu Âu, Trung Quốc, Nga, Khazakstan, Mông Cổ… Các hoạt động hải quan liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa cũng được thực hiện trực tiếp tại ga Kép để phục vụ các doanh nghiệp.
Sau khi hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Kép đi vào ổn định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép như xây dựng kho bãi ngoại quan, tổ chức hoạt động tiếp nhận container lạnh và các dịch vụ khác phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.
Phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế: Trên cơ sở dự báo khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt liên vận khoảng 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030, ước tính tỷ trọng về khối lượng hàng qua ga Đồng Đăng khoảng 65% - 70%, qua ga Lào Cai khoảng 30% - 35%.
Trong đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng: Sản lượng dự kiến khoảng 3,0 triệu tấn (năm 2030); năng lực tuyến khoảng 3,9 triệu tấn/năm; năng lực tổng hợp các ga chính: từ 1,0 đến 2,5 triệu tấn/năm; Tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai: sản lượng dự kiến khoảng 1,5 triệu tấn (năm 2030); năng lực tuyến khoảng 6 triệu tấn/năm; năng lực tổng hợp các ga chính: từ 1,0 đến 2,0 triệu tấn/năm.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động đầu tư đầu máy và hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt thuê, đầu tư toa xe, thiết bị xếp dỡ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế đến năm 2030 đạt 4 - 5 triệu tấn/năm.
Trong thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt.
Đồng thời, đầu tư thêm phương tiện đầu máy toa xe, kiến nghị cấp có thẩm quyền giao nhà ga, bãi hàng để tạo điều kiện phát triển, phát huy lợi thế tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và tính chủ động của doanh nghiệp.