Ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Có được danh hiệu này là cả hành trình hơn 30 năm gắn bó với đồng ruộng, là người đi tiên phong thành lập HTX, đưa máy móc ra đồng, làm dự án cánh đồng lớn trồng lúa, bắp sạch...
Lão nông này cũng là người xây dựng thương hiệu đặc sản gạo hữu cơ của Đồng Nai được cả thị trường nội địa và xuất khẩu ưa chuộng, mang lại lợi nhuận cao cho bản thân và các xã viên.
Lão nông Trần Quang xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 30 năm trước, ông cùng gia đình vào Nam lập nghiệp. Thời gian đầu, kinh tế gia đình rất khó khăn vì thu nhập đều dựa vào vài sào đất lúa.
Rồi ông xin đi làm công, học nghề cho cơ sở đầu tư máy móc làm dịch vụ tuốt lúa tại địa phương. Tích lũy được chút vốn cộng với số tiền vay mượn thêm, ông mua được chiếc máy tuốt lúa đầu tiên vừa sử dụng thu hoạch cho đồng lúa của gia đình, vừa làm dịch vụ tuốt lúa tại địa phương.
Dần dần, ông đầu tư thêm máy cày, máy gặt…chuyên làm dịch vụ nông nghiệp để tăng thêm thu nhập. Nông dân mê đất nên tích lũy được đồng nào, ông lại mua đất, nhờ vậy hiện gia đình ông có khoảng 10ha đất sản xuất.
Ông cũng là người khởi xướng lập ra câu lạc bộ năng suất cao rồi thành lập HTX Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến từ năm 2014 với mong muốn liên kết nông dân lại cùng mua cùng bán để giảm chi phí đầu vào; đầu ra có sản lượng lớn để không còn rơi vào cảnh bị thương lái ép giá.
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) giới thiệu sản phẩm gạo đặc sản ST24, gạo ST25 trồng theo hướng hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao.
HTX Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến cũng là đơn vị đi tiên phong làm dự án cánh đồng lớn trồng lúa, bắp; liên kết các xã viên góp vốn đầu tư máy móc hiện đại thay cho sức lao động của con người.
Ông Trần Quang so sánh: “Chúng tôi đầu tư chiếc máy thu hoạch cho ra hạt bắp ngay trên cánh đồng, công đoạn thu hoạch 1ha bắp giảm được cả triệu đồng chi phí nhân công so với cách làm truyền thống. Với cây lúa cũng vậy, hiện mọi khâu thu hoạch, đóng gói đều có máy móc làm thay. Nông dân chỉ cần đứng trên bờ chờ thương lái đến rồi bán lúa, thu tiền chứ không phải chạy đôn chạy đáo thuê lao động như trước”.
Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa của HTX đã đạt gần 100%. Nhờ xây dựng tốt chuỗi liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm bắp hạt của HTX được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt, ổn định. HTX còn liên kết với doanh nghiệp trồng bắp lấy cây, thời gian trồng ngắn có thể tăng lên 4 vụ bắp/năm cho lợi nhuận cao hơn.
Ngoài ra, HTX còn nhiều hoạt động hỗ trợ cho xã viên, nông dân tại địa phương như: cung cấp vật tư, dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ xã viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi…
Sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro, nhất là hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, giá vật tư đầu vào không ngừng leo thang trong khi thị trường đầu ra nhiều biến động.
Nông dân trồng lúa lại càng rủi ro, vất vả vì lợi nhuận từ cây lúa vốn đã thấp lại đang teo tóp dần vì những khó khăn trên. Chính vì vậy, khi biết về giống lúa ngon ST24 của TS.Hồ Quang Cua, lão nông luôn chịu học, chịu làm này lại lặn lội về tận Sóc Trăng học hỏi kinh nghiệm rồi mua giống lúa đặc sản về trồng thí điểm.
Khi thấy giống lúa đặc sản này trồng tại Đồng Nai phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng ngon, ông lại vận động xã viên chuyển đổi sang trồng giống gạo đặc sản cho lợi nhuận cao.
Theo lão nông Trần Quang, hiện nông dân trồng lúa tại địa phương đều chuyển đổi từ giống lúa thường sang các giống lúa đặc sản như: ST24, ST25. Đây đều là những giống đặc sản đang được thị trường ưa chuộng nên bán được với giá cao, cung không đủ cầu. Mô hình này không chỉ giúp lão nông Trần Quang thành tỷ phú nông dân mà lợi nhuận của các xã viên cũng tăng hơn hẳn so với trước.
Để xây dựng được vùng sản xuất gạo đặc sản theo chuẩn hữu cơ, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với nông dân trên cơ sở thỏa thuận có sự chia sẻ lợi ích giữa các bên. HTX là cầu nối với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con; kiểm soát quy trình chăm sóc… HTX cũng huy động nguồn vốn để đầu tư hệ thống sấy lúa, máy xay xát, chế biến gạo để làm ra sản phẩm gạo hữu cơ cung cấp ra thị trường.
Theo ông Quang: “Sản phẩm gạo hữu cơ của HTX cho chất lượng gạo ngon, hạt gạo dẻo, thơm nên được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm gạo sạch của HTX hiện cung cấp đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tập trung cho thị trường lớn là TP.HCM. HTX cũng rất quan tâm đầu tư làm bao bì, nhãn hiệu, đăng ký tham gia chương trình OCOP để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
HTX Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến hiện có 10 thành viên tham gia góp vốn và 95 xã viên tham gia liên kết sản xuất với tổng diện tích là 150ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết với nông dân ở nhiều địa phương khác như: Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Khánh…để nhân rộng diện tích trồng giống lúa đặc sản theo hướng hữu cơ.