TP.Hà Nội vừa đồng ý dừng xây dựng, triển khai đề án "Thu gom, xử lý chất thải nguy hại TP.Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Theo đó, trong văn bản mới nhất mà Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký gửi các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Khoa học công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư; UBND các quận, huyện, thị xã cho biết, UBND TP.Hà Nội nhận được các văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất dừng triển khai thực hiện đề án "Thu gom, xử lý chất thải nguy hại TP.Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội cũng đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đặt ra với công tác thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn Thủ đô.
Về việc này, UBND TP.Hà Nội đồng ý dừng xây dựng và triển khai thực hiện đề án "Thu gom, xử lý chất thải nguy hại TP.Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
UBND TP.Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, báo cáo UBND Thành phố việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống thu gom, vận chuyển, các trạm trung chuyển, các khu xử lý chất thải rắn (nguy hại và không nguy hại) trên địa bàn Thủ đô, đảm bảo toàn bộ chất thải rắn phát sinh được thu gom, xử lý theo công nghệ hiện đại và loại bỏ việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp.
Thứ hai, xây dựng đề án "Phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố" theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường, sau khi có hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường; hoàn thiện, trình UBND TP.Hà Nội xem xét, ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Thành phố để triển khai thực hiện nhằm khắc phục tình trạng để lẫn chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt thông thường, đảm bảo các mục tiêu đã đặt ra với công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải nguy hại, phát sinh trên địa bàn Thành phố.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong việc quản lý chất thải rắn của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố định kỳ hàng năm, trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý chất thải nguy hại; báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện, kịp thời đề xuất UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.
Cuối cùng là tăng cường, đa dạng hóa các hình thức truyền thông và tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc phân loại, quản lý chất thải nguy hại ngay từ nguồn thải theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, dự thảo đề án "Thu gom, xử lý chất thải nguy hại TP.Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng từ năm 2018 trên cơ sở các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND TP.Hà Nội tháng 7/2022) đã không còn phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và tình hình thực tế quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn Thành phố.
Việc tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện đề án sẽ gặp khó khăn, vướng mắc về các quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại, vướng mắc về kinh phí chi trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại do không có định mức, đơn giá trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại.
Việc triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ và dự án ưu tiên về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại của đề án sẽ gây lãng phí đối với ngân sách nhà nước.
Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08 ngày 10/1/2022 của Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND TP.Hà Nội xem xét, cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường dừng việc triển khai xây dựng và triển khai đề án do không còn phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế.