42 tấn chất thải nguy hại ở Xí nghiệp của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, lãnh đạo có trách nhiệm không?

Quang Trung Thứ hai, ngày 25/04/2022 10:25 AM (GMT+7)
Cảnh sát môi trường Đồng Nai đã khai quật, phát hiện hơn 42 tấn chất thải nguy hại tại xí nghiệp thuộc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Hành vi này sẽ bị xử lý thế nào, lãnh đạo Xí nghiệp, Công ty có trách nhiệm liên đới không?
Bình luận 0

42 tấn chất thải nguy hại tại xí nghiệp của bóng đèn Điện Quang

Trong 2 ngày 22 và 23/4, lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai, Công an TP Biên Hòa cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai tiến hành khai quật các vị trí bên trong Xí nghiệp Đèn ống của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang.

Xí nghiệp bóng đèn Điện Quang chôn giấu 42 tấn chất thải nguy hại sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Đại diện Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai lấy mẫu nước thải khu vực máy xay nghiền bóng đèn thải trong Xí nghiệp đèn ống - Ảnh: B.A.

Qua đó, phát hiện hơn 42 tấn chất thải nguy hại, trong đó tại hầm bê tông bên trong xí nghiệp có gần 15 tấn, khu vực ngoài sân là hơn 27 tấn.

Số chất thải được phát hiện này gồm miếng thủy tinh nhiễm chất thải nguy hại và nước thải từ quá trình xay nghiền bóng đèn thải.

Bước đầu, qua test nhanh nước thải, cơ quan chức năng xác định độ PH vượt 7 lần cho phép. Trong vỏ bóng đèn thải có chứa thủy ngân và lưu huỳnh nên độc hại nếu không được xử lý theo quy định.

Sẽ bị xử lý hình sự khi nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, chất thải nguy hại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nếu việc thu gom, xử lý không đúng quy trình, quy định thì có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Hành vi gây ô nhiễm môi trường của cá nhân, pháp nhân thương mại có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định của pháp luật, chất thải nguy hại phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện để xử lý phải ký hợp đồng với đơn vị có đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại để chuyển giao, xử lý.

Trường hợp đổ, chôn lấp, xả thải ra môi trường chất thải nguy hại với số lượng lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo ông Cường, Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định: Chất thải nguy hại phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp và đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; khuyến khích việc đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại quy mô cấp vùng; khuyến khích đồng xử lý chất thải nguy hại.

Xí nghiệp bóng đèn Điện Quang chôn giấu 42 tấn chất thải nguy hại sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng phát hiện số bóng đèn đã xay ra ở dưới hầm. Ảnh: T.Vương

Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 137 của Luật bảo vệ môi trường trong trường hợp có hoạt động chôn lấp chất thải.

Bởi vậy, doanh nghiệp, tổ chức có những chất thải nguy hại thuộc danh mục nhà nước quy định mà không có đủ điều kiện để xử lý sẽ phải ký hợp đồng với bên thứ ba với tổ chức có đủ điều kiện thu gom xử lý chất thải nguy hại để tiến hành bàn giao, xử lý theo quy định.

Hành vi tự ý chôn lấp, đổ, xả thải ra môi trường các loại chất thải nguy hại là hành vi gây ô nhiễm môi trường. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 235 "Tội gây ô nhiễm môi trường" Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ chất thải số lượng rất lớn  của Xí nghiệp Đèn ống, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang có phải là chất thải nguy hại hay không, là chất thải thuộc danh mục nào.

Những chất thải này đã xả thải ra môi trường hay chưa, có gây ô nhiễm môi trường hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hành vi chỉ là thu gom, quản lý không đúng quy định, nhưng chưa xả thải ra môi trường chưa gây ô nhiễm môi trường, có thể chị bị phạt xử phạt hành chính.

Trường hợp đã đổ, chôn lấp, xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường sẽ căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự để xử lý.

Ông Cường cho biết, tội gây ô nhiễm môi trường có thể xử lý đối với cá nhân và pháp nhân thương mại.

Theo đó, cá nhân có thể bị xử phạt đến 7  năm tù nếu có hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 5000kg chất thải nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo phụ lục A công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ phân hủy.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tiền đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

"Trong vụ việc trên cơ quan chức năng phát hiện chất thải nguy hại của doanh nghiệp này là rất lớn, tuy nhiên làm rõ là chất thải này vẫn đang trong khu vực quản lý của doanh nghiệp hay đã xả thải ra môi trường là yếu tố quan trọng để xác định hành vi vi phạm pháp luật đã đến mức xử lý hình sự hay chưa" – ông Cường nhấn mạnh.

Luật sư Cường cho biết thêm, trong vụ việc này cần phải làm rõ vai trò của lãnh đạo xí nghiệp, nếu người này biết và chỉ đạo hoặc không ngăn chặn hành vi chốn giấu, xả thải thì phải chịu trách nhiệm đầu tiên nếu cơ quan chức năng xác định hành vi này đến mức xử lý hình sự. Mức phạt cụ thể như đã phân tích ở trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem