Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội đã thông tin khái quát về Dự án đường Vành đai 4, đồng thời báo cáo kết quả tham gia tuyên truyền công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội.
Lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm Quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 có chiều dài 112,8 km đi qua thành phố Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng.
Trên địa bàn TP Hà Nội, dự án vành đai 4 đi qua 7 quận, huyện (quận Hà Đông và 6 huyện: Thường Tín, Thanh Oai, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng), trong đó, quận Hà Đông không có tổ chức Hội Nông dân. Dự án thu hồi với tổng chiều dài 58,2km (trong đó, qua địa phận Hà Đông: 5,4km; Thường Tín khoảng 9km; Thanh Oai 7,9km; Sóc Sơn: 2,3km; Đan Phượng 6,3km; Hoài Đức 17,1km; Mê Linh khoảng 10,2km).
Tính đến ngày 10/2/2023, trên địa bàn TP Hà Nội đã phê duyệt phương án với diện tích 236,26ha; bàn giao mặt bằng 213,02ha, chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 1.779,39 tỷ đồng.
Để góp phần khai thực hiện tốt dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô, thời gian qua, Hội Nông dân TP Hà Nội đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã và cơ sở có dự án đi qua tổ chức các buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án.
Hội Nông dân 6 huyện đã chủ động chỉ đạo Hội Nông dân 39 xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở thôn nắm tình hình tư tưởng, dư luận nhân dân xung quanh việc đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nói chung và công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nói riêng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân Hà Nội đã kịp thời tham mưu cấp uỷ chỉ đạo giải quyết khi có tình huống phát sinh, tổ chức các cuộc tọa đàm để tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của người dân; trả lời những nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án.
Tại hội nghị, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai thì ý kiến lãnh đạo Hội Nông dân các huyện, cơ sở có dự án đi qua cũng nêu một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được sớm giải quyết.
Bà Lưu Thị Hải Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Oai cho biết: Huyện Thanh Oai có 6 xã là Cự Khê, Bích Hoà, Bình Minh, Thanh Thuỷ, Tam Hưng, Mỹ Hưng có dự án Vành đai 4 đi qua, số hộ dân bị thu hồi đất khoảng 1.500 hộ, trong đó có 618 hộ là hội viên nông dân.
Thời gian qua, Hội Nông dân 6 xã và các chi hội có dự án vành đai 4 đi qua đã trực tiếp tổ chức 31 hội nghị tuyên truyền cho gần 2.000 lượt hội viên nông dân tham gia.
Bà Lưu Thị Hải Anh cho biết: Do toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở xã Cự Khê đều nằm trong quy hoạch S4 của thành phố nên xã Cự Khê không thực hiện dồn điền, đổi thửa nên công tác lập bản đồ giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn. Hiện đã giải thửa 5 xứ đồng thuộc 3 đơn vị với diện tích 84.302m2, còn 5 xứ đồng thuộc 2 đơn vị thôn đang thực hiện công tác lên bản đồ giải phóng mặt bằng, công khai và dân chủ. Còn 2 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường, di chuyển mộ với lý do các mộ có kiến trúc đặc biệt, kinh phí xây dựng nhiều hơn so với phương án hỗ trợ.
Tại hội nghị, lãnh đạo Hội Nông dân các huyện cơ sở có dự án đi qua đề nghị các cấp cần tập trung quan tâm, bố trí khu vực tái định cư trước để đảm bảo ổn định đời sống trước khi tiến hành thu hồi đất của các hộ có đất ở và đất ao vườn trong dân cư.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa đánh giá cao sự vào cuộc các cấp Hội Nông dân, đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền để hội viên, nông dân hiểu tầm quan trọng của Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, cũng như các chủ trương của T.Ư, TP để từ đó tạo đồng thuận trong triển khai thực hiện.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa nhấn mạnh: Xác định tầm quan trọng của dự án, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP cần chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ủng hộ và thực hiện chủ chương, quyết định thu hồi đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đảm bảo theo tiến độ, kế hoạch đã đề ra.
Đồng thời, phối hợp tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với việc thực hiện Dự án, nhất là về công tác quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bồi thường, tái định cư… đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Các cấp Hội Nông dân cần tăng cường nắm bắt tình hình, tư tưởng, dư luận của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân (nhất là các gia đình có đất, tài sản trong diện giải phóng mặt bằng, thực hiện Dự án) để kịp thời phản ánh, tham mưu, đề xuất phương án giải quyết, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Hội Nông dân các huyện có tuyến đường Vành đai 4 đi qua phát động thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ trong quá trình triển khai, xây dựng Dự án góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của địa phương, thiết thực chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 – 2028.