Gác bằng Đại học Mỏ-Địa chất, trai Đắk Nông bỏ Hà Nội về quê trồng thứ rau rừng gì mà bán hút hàng?

Thứ bảy, ngày 11/02/2023 18:57 PM (GMT+7)
Tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội và xin được việc làm ở Hà Nội, nhưng sau đó anh Hà Quốc Việt, xã Nhân Đạo, huyện Đắk Rlấp (tỉnh Đắk Nông) vẫn quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp. Đầu năm 2019, anh quyết định chọn mô hình trồng lá bép rừng. Lá bép là môt loại rau rừng ngon, sạch, lạ...
Bình luận 0

Cây lá bép là một loại cây rừng đặc trưng của Tây Nguyên được anh Quốc Việt lựa chọn khởi nghiệp

Lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ-Địa chất, chàng trai sinh năm 1990 Hà Quốc Việt đi nhiều nơi như Đà Lạt, Đồng Nai để học hỏi các mô hình nông nghiệp về vận dụng làm kinh tế tại địa phương. Nhưng mãi anh cũng chưa chọn được mô hình nào ưng ý. 

Trong một lần đi chơi với bạn bè, anh thấy bà con người dân tộc thiểu số tại địa phương mình hái lá bép rừng mang ra chợ bán và được rất nhiều người đặt mua. Cũng từ đó anh có ý định đưa cây lá bép này về trồng khảo nghiệm trong vườn của gia đình mình, với mong muốn mở ra hướng đi mới trên bước đường khởi nghiệp.

Gác bằng Đại học Mỏ-Địa chất, trai Đắk Nông bỏ Hà Nội về quê trồng thứ rau rừng gì mà bán hút hàng? - Ảnh 1.

Lá bép là loại rau rừng, chế biến thành món ăn đặc sản tại Đắk Nông đã được chàng trai Hoàng Quốc Việt đưa vào trồng thử nghiệp thành một loại rau thương phẩm.

Trong quá trình trồng khảo nghiệm lá bép rừng, anh Việt đã gặp không ít khó khăn về vốn cùng như kinh nghiệm trồng, chăm sóc loại cây rừng này. Nhờ sự kiên trì, chịu khó, vừa làm vừa tìm tòi học hỏi, đồng thời được sự động viên của gia đình nên đến nay anh đã mở rộng mô hình lá bép rừng lên diện tích 1.000 m2

Để đưa được cây lá bép rừng từ môi trường tự nhiên về trồng tại vườn nhà không phải dễ dàng. Anh phải tự vào rừng lựa chọn những cây con khỏe mạnh, tươi tốt đưa về trồng. Bên cạnh đó đầu tư hệ thống tưới tự động, phun sương.

Gác bằng Đại học Mỏ-Địa chất, trai Đắk Nông bỏ Hà Nội về quê trồng thứ rau rừng gì mà bán hút hàng? - Ảnh 2.

Hoàng Quốc Việt tận dụng phế phẩm nông nghiệp để bón cho vườn lá bép, giữ hương vị rau rừng tự nhiên và tạo ra sản phẩm rau rừng chất lượng.

Mô hình trồng khảo nghiệm lá bép rừng của anh Việt đã cho thu hoạch 3 tháng nay; với diện tích 1.000 m2, mỗi tháng cho thu hoạch từ 100-150kg. 

Tuy nhiên, do trong giai đoạn trồng khảo nghiệm, chủ yếu để nuôi cây và theo dõi sự phát triển của cây nên nhiều lá bép mặc dù đã đến thời gian thu hoạch nhưng anh Việt vẫn chưa bán ra thị trường. Mô hình thuần hóa cây lá bép rừng của anh Việt là đầu tiên và duy nhất tại địa phương cho đến thời điểm này.

Gác bằng Đại học Mỏ-Địa chất, trai Đắk Nông bỏ Hà Nội về quê trồng thứ rau rừng gì mà bán hút hàng? - Ảnh 3.

Lá bép đã "thuần hóa" thành công trong vườn nhà, thế nhưng Hoàng Quốc Việt vẫn chưa thương mại để tiếp tục hoàn thiện mô hình trồng rau rừng.

Lá bép hiện đang trở thành đặc sản rau rừng trong các nhà hàng, quán ăn ở Tây nguyên với thực đơn phổ biến nhất là lá bép xào đọt mây, lá bép nấu cá hộp… 

Với ý tưởng sáng tạo, độc đáo, dám nghĩ, dám làm và đang trên đà khởi nghiệp, chắc chắc thời gian không xa nữa, mô hình trồng lá bép rừng của anh Việt sẽ mang lại kết quả như mong đợi, khẳng định năng lực của tuổi trẻ, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. 

Minh Trí-Minh Tiền (Đài PTTH Đắk Nông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem