Dân Việt

Đồng Nai làm lễ xuất khẩu đầu năm cho một loại trái cây rất được ưa chuộng ở Trung Quốc

Nha Mẫn 22/02/2023 05:54 GMT+7
Hiện nay, nhiều bà con nông dân tại Đồng Nai đã mạnh dạn tăng diện tích trồng chuối và kỳ vọng có đầu ra cho chuối ổn định lâu dài. UBND tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tổ chức lễ xuất khẩu chuối tươi đầu năm Quý Mão 2023 vào hôm nay, 22/2.

Diện tích chuối tại Đồng Nai tăng nhanh

Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, chuối là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích lên đến trên 13.000ha, chiếm tỷ lệ 8,5% diện tích chuối trên cả nước, chiếm 71% diện tích chuối thuộc vùng Đông Nam Bộ.

Đồng Nai: Nông dân tăng diện tích trồng chuối, kỳ vọng đầu ra ổn định lâu dài - Ảnh 1.

Chuối được trồng nhiều tại Đồng Nai. Ảnh: Nha Mẫn

Ở Đồng Nai, chủ yếu chuối tập trung nhiều ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Định Quán… và được thu hoạch quanh năm nhưng vụ chính lại chủ yếu kéo dài từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau. 

Tổng sản lượng chuối thu hoạch ước đạt khoảng 450.000 tấn/năm. Trong đó, tỷ lệ quả tươi tiêu thụ nội địa khoảng 15%, đưa vào chế biến 5%, xuất khẩu 80-85% và chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc.

Thời gian gần đây, Đồng Nai đang tập trung nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng theo chuẩn thị trường xuất khẩu chính ngạch để cây trồng phát triển bền vững hơn. 

Sở NNPTNT Đồng Nai cũng liên tục khuyến cáo các hộ nông dân phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu để triển khai hình thành mã số vùng trồng. Sản phẩm chuối sau khi được thu hoạch muốn đạt chuẩn để xuất khẩu phải được đóng gói đúng quy định…

Trên thực tế, hiện nay diện tích chuối trên địa bàn chủ yếu là chuối cấy mô tăng nhanh theo từng năm và giá chuối cũng liên tục biến động nhưng đa phần nông dân vẫn khá mặn mà với cây chuối. 

Đồng Nai: Nông dân tăng diện tích trồng chuối, kỳ vọng đầu ra ổn định lâu dài - Ảnh 2.

Cây chuối ngày càng được đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng. Ảnh: Tuệ Mẫn

Nhiều nơi như Trảng Bom, Thống Nhất hình thành những vườn chuối lớn, bạt ngàn. Đặc biệt, nông dân còn đầu tư hệ thống tưới, ràng chuối khá bài bản, công phu. Đến nay, 95% diện tích chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; 100% diện tích chuối xuất khẩu được bao buồng.

Bà Nguyễn Thị An, nông dân tại huyện Trảng Bom cho biết, gia đình bà đã trồng chuối hơn chục năm, có vui có buồn vì chuối nhưng đến nay vẫn gắn bó với diện tích hơn 5ha. Cũng nhờ cây chuối, vợ chồng bà có thu nhập ổn định, nuôi 2 con học đại học và có của để dành, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Đồng Nai: Nông dân tăng diện tích trồng chuối, kỳ vọng đầu ra ổn định lâu dài - Ảnh 3.

Nông dân tại huyện Cẩm Mỹ chăm sóc chuối. Ảnh: Nha Mẫn

“Thổ nhưỡng ở đây hợp với cây chuối nên chuối phát triển tốt, năng suất cao. Hiện nay, sau nhiều lần chuối lao đao, ở địa phương cũng có các thương lái kinh doanh lớn, có kho bãi đóng hàng xuất khẩu nên đầu ra cho chuối dần ổn định hơn, bà con nông dân cũng an tâm tăng diện tích trồng chuối”, bà An nói.

Đặc biệt, hiện nay, huyện Trảng Bom (địa phương có diện tích chuối xếp tốp đầu của tỉnh Đồng Nai) đã xây dựng được các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chuối cấy mô giữa Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô xã Bàu Hàm và Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô xã Sông Thao cùng Công ty TNHH Nông nghiệp Sông Thao với quy mô gần 800ha. 

Ngoài ra còn có thêm chuỗi liên kết chuối cấy mô của HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình với diện tích khoảng 120ha xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cũng theo bà con nông dân, sau khi có Nghị định thư về xuất khẩu chuối để chuối xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, bà con tại Đồng Nai càng tăng diện tích trồng chuối vì an tâm hơn về đầu ra lâu dài cho sản phẩm chuối tươi.

Được biết, ngày mai 22/2, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức lễ xuất khẩu chuối tươi đầu năm Quý Mão 2023. Lễ xuất khẩu chuối tươi năm nay dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo Bộ NNPTNT, Tổng lãnh sự quán các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tại TP.HCM; lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo Sở NNPTNT các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên...