Dân Việt

Xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu phản ánh đúng năng lực học sinh

Minh Phong 21/02/2023 15:27 GMT+7
Hiện có khoảng 120 cơ sở giáo dục đại học công bố xét học bạ THPT để tuyển sinh năm 2023, hệ đại học chính quy.

Bên cạnh những ưu điểm, nhiều người còn băn khoăn về chất lượng nguồn tuyển theo phương thức này.

Băn khoăn chất lượng nguồn tuyển

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo xét tuyển bằng học bạ với chỉ tiêu khá lớn. Tuy nhiên, cũng có trường không xét tuyển, hoặc chỉ coi học bạ là một điều kiện để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) thông báo xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết quả học bạ với chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến.

Trường ĐH Ngoại thương xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia/đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi/thi khoa học kỹ thuật quốc gia…. Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập. Trường này nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 22/5 đến 31/5.

Ngoài phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đơn vị còn sử dụng phương thức xét tuyển tài năng; trong đó có xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Theo đó, thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2023, có điểm trung bình cộng học tập các môn văn hóa (trừ 2 môn Thể dục và Giáo dục quốc phòng an ninh) năm học lớp 10, 11 và lớp 12 đạt 8.0 trở lên và đáp ứng ít nhất một trong những điều kiện được nhà trường quy định.

Theo các chuyên gia, với những trường có điểm chuẩn không quá cao, xét tuyển học bạ được coi là an toàn và dễ dàng để thí sinh có được “tấm vé” vào đại học. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, không ít người băn khoăn về chất lượng nguồn tuyển theo phương thức này.

Hiệu trưởng một trường THPT của tỉnh Khánh Hòa cho hay, ít nhiều có tình trạng “nâng đỡ” điểm cho học sinh trong quá trình học tập. Tuy nhiên, việc này chỉ nên dừng lại với mục đích động viên các em, không nên lạm dụng với mục đích “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ để xét tuyển vào đại học.

“Tôi tán thành và hoan nghênh Bộ GD&ĐT thực hiện công tác so sánh điểm thi và điểm học bạ của từng địa phương sau mỗi Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Qua đó, sẽ hạn chế việc nâng điểm của học sinh lên cao so với lực học thực tế” – vị hiệu trưởng quả quyết.

Xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu phản ánh đúng năng lực học sinh  - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn xét tuyển đại học năm 2022.

Nên kèm theo điều kiện khác

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong tuyển sinh và lựa chọn phương thức xét tuyển. Thực chất, xét tuyển học bạ với nhiều tiện lợi và có tính nhân văn. Phương thức này cũng góp phần gia tăng cơ hội cho thí sinh được học đại học. Song, vấn đề đặt ra là, công tác đánh giá học sinh ở bậc phổ thông cần đảm bảo chính xác và đủ tin cậy. Muốn vậy, trường THPT cần đề cao liêm chính trong dạy học, kiểm tra, đánh giá để bảo đảm công bằng trong tuyển sinh đại học.

Nhìn nhận, về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu phản ánh đúng năng lực học sinh. TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, kèm theo đó là chất lượng dạy học, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả địa phương và phải bảo đảm công bằng, minh bạch. Khi đó, xét tuyển bằng học bạ mới đủ độ tin cậy và mang lại ý nghĩa.

Trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa; trong đó có đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ. Cử tri tỉnh này phản ánh, có tình trạng tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm” của các nhà trường.

Phúc đáp kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 220/BGDĐT-VP. Công văn nêu rõ, Khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học ngày 18/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định, phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Như vậy, Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ GD&ĐT (Điều 6 quy định về phương thức tuyển sinh) đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục đại học.

Trong đó, luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo. Đồng thời để cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế. Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, trách nhiệm của nhà trường phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.

Khuyến nghị, không nên đơn thuần sử dụng điểm học bạ bậc THPT để xét tuyển, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh, các trường nên xem học bạ là điều kiện ban đầu và kèm theo kết hợp hình thức khác để tuyển sinh.

Thời gian qua, một số cơ sở giáo dục đại học đã dùng kết quả học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, hay có thêm bài phỏng vấn, bài luận, kiểm tra đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để xét tuyển. Phương án này làm gia tăng độ tin cậy và bảo đảm công bằng hơn so với việc các trường chỉ đơn thuần xét tuyển bằng điểm học bạ THPT.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho hay, xu hướng tuyển sinh trên thế giới là kết hợp nhiều tiêu chí. Chẳng hạn, chứng chỉ ngoại ngữ để đánh giá khả năng sử dụng ngoại ngữ trong học tập ở môi trường đại học sau này. Còn học bạ là tiêu chí đánh giá năng lực học tập trước đó của sinh viên bên cạnh các chứng chỉ độc lập như: SAT, ACT, phỏng vấn, làm bài luận…