Tại sao một số trường đại học top đầu, điểm chuẩn cao chót vót nhưng lại xếp hạng thấp?

Tào Nga Thứ ba, ngày 21/02/2023 12:56 PM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh, thí sinh thắc mắc về bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam khi các trường đại học top đầu, điểm chuẩn rất cao nhưng lại xếp hạng thấp.
Bình luận 0

Bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam: Vì sao trường top lại xếp hạng thấp?

Mới đây, Viet Nam's University Rankings (VNUR) vừa công bố bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam năm 2023. Theo thông tin từ VNUR, đây là bảng xếp hạng các trường đại học của Việt Nam đầu tiên được công bố trong lãnh thổ Việt Nam. Trước đó, vào tháng 1, Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics các trường đại học ở Việt Nam. 

Ngay khi có VNUR, bảng xếp hạng đã có sự tranh cãi về chênh lệch thứ bậc giữa các đơn vị đánh giá rằng "mặc dù tiêu chí xếp hạng chi tiết mỗi bên sẽ khác nhau nhưng nói tới đại học là có điểm chung liên quan đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng nên không thể có kết quả quá chênh lệch như vậy".

Tại sao các trường đại học top đầu, điểm chuẩn cao chót vót nhưng lại xếp hạng thấp? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Ngoài ra, cũng có ý kiến "so sánh chiếc lá với chiếc xe đạp là bất ổn" vì không thể so trường kinh tế với trường kỹ thuật (cần nhiều phòng thí nghiệm), trường đơn ngành với trường đa ngành... Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh, học sinh cũng đặt ra câu hỏi tại sao một số trường top đầu, thu hút được nhiều sinh viên giỏi nhất trong tuyển sinh với điều chuẩn đầu vào rất cao nhưng xếp hạng lại thấp?

Cụ thể như Đại học Bách khoa Hà Nội xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng Webometrics và thứ 4 của VNUR; 2 trường top khối ngành kinh tế là Trường Đại học Ngoại thương xếp lần lượt thứ 33, 13 và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xếp thứ 15, 20 hay trường top đầu ngành sư phạm là Trường Đại học Sư phạm xếp thứ 37 và 8. Trường Đại học Y Hà Nội cũng chỉ ở thứ 17 và 29 trong bảng xếp hạng mặc dù là top 1 trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hóa học ở Hà Nội cho hay: "Thông lệ quốc tế, trong các bảng xếp hạng đại học, dù có thể có các tiêu chí khác nhau và trọng số khác nhau nhưng bao giờ tiêu chí liên quan đến nghiên cứu, sáng tạo về khoa học công nghệ, sáng chế luôn được ưu tiên. Bởi mục tiêu của trường đại học ngoài truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ còn phải kiến tạo kiến thức mới qua nghiên cứu khoa học.

Các thông số phản ánh kết quả nghiên cứu khoa học thường là: số lượng bài báo, ngân sách cho nghiên cứu; số lượng trích dẫn; nguồn thu từ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

Do đặc thù xếp hạng như vậy nên các trường đại học đa ngành (như 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM) hoặc các trường thiên về Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ, có nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao để đầu tư cho nghiên cứu khoa học sẽ có ưu thế trong xếp hạng hơn so với các trường đại học có tính chuyên ngành đặc thù hoặc những lĩnh vực ít có công bố quốc tế (Khoa học xã hội, Kinh tế).

Còn đối với học sinh và gia đình, quan tâm nhiều nhất thường là cơ hội việc làm sau khi ra trường, mức lương và cơ hội thăng tiến trong công việc. Do đó, những trường, những ngành nghề đảm bảo các tiêu chí này thường thu hút đông thí sinh xét tuyển, điểm chuẩn cao".

Nên tôn trọng các đơn vị đánh giá

TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho hay: "Tất cả các trường đại học được đánh giá chung trong bảng xếp hạng là một sự ghi nhận của xã hội với nỗ lực của các trường. Các tổ chức có thể dựa vào số liệu thống kê của Bộ GDĐT, các công bố quốc tế, các hoạt động của nhà trường để đánh giá chứ không dựa vào báo cáo của nhà trường. Ngay cả chúng tôi cũng không biết họ đánh giá về mình.

Mỗi tổ chức có tiêu chí đánh giá riêng. Tôi không phản đối mà tôn trọng các bảng xếp hạng. Có lúc trường được đánh giá thứ 30, có khi lại xếp thứ 12, thứ 10... Dù ở mức độ nào thì đây cũng giúp nhà trường nhìn nhận sự nỗ lực của trường đã đáp ứng được nhu cầu xã hội hay chưa, tại sao lại ở bậc này".

TS Trần Khắc Thạc cũng cho rằng, đây là một căn cứ để thí sinh chọn trường. "Dù sao một tổ chức độc lập đánh giá sẽ uy tín hơn chính chúng tôi nói về chúng tôi", TS Thạc nói.

Theo TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia: "Bảng xếp hạng VNUR đáng tin cậy vì được lấy từ các nguồn dữ liệu công khai, minh bạch và được thực hiện trong thời gian 2 năm. Tuy nhiên, VNUR cũng cần ghi nhận phản hồi từ dư luận về việc công thức đã chuẩn chưa, bộ chỉ số đã đầy đủ chưa...".

TS Phạm Hiệp cho rằng, ngành nghề nào khi trở thành đại chúng cũng cần có nhu cầu đo lường đánh giá và được tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau. Nói về việc vì sao các trường điểm đầu vào cao lại xếp hạng thấp, TS Hiệp cho rằng có sự chênh nhau giữa đào tạo với nghiên cứu, đào tạo với cơ sở vật chất. Nếu các trường thấy không hợp lý thì hãy viết thư yêu cầu nhóm nghiên cứu giải trình.

"Các bảng xếp hạng cần được xã hội ủng hộ, góp ý chưa không nên dập ngay lập tức khi vừa công bố. Với tư cách của người trong nghề, tôi ủng hộ, chúc mừng và ngưỡng mộ nhóm thực hiện. Bảng xếp hạng không chỉ dành cho phụ huynh, thí sinh, nhà tuyển dụng mà còn dành cho các nhà làm chính sách", TS Hiệp chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem