Cây mã đề là loại cây thuốc dân gian rất phổ biến, một loại rau dại ở các vùng quê Việt Nam và được sử dụng thường xuyên trong những bài thuốc chữa bệnh thông thường.
Theo Y học Cổ truyền, cây mã đề hay còn được gọi là "mã tiền xá", có tên khoa học là Plantago asiatica. Cây thuộc nhóm cây thân thảo và sống lâu năm.
Mã đề là loài rau dại thân cỏ sống lâu năm trong tự nhiên. Ta có thể tìm thấy loại rau này ở ven đường, ven bìa rừng núi. Thân loại rau dại này nhẵn, lá mọc thành cụm từ gốc, gân lá nổi rõ trên phiến lá hình thìa hoặc hình trứng. Bông mã đề xuất phát từ kẽ lá, dài và xanh mơn mởn. Loài rau dại này sinh tồn mạnh mẽ và được sử dụng nhiều trong dân gian, có tác dụng chữa bệnh từ trong ra ngoài cơ thể.
Cây mã đề phát triển tốt trong môi trường nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là đất ẩm thì lá và bông càng lớn. Có thể thu hái lá thảo dược này quanh năm, hong khô và sử dụng như trà. Loại rau dại này được xem như thuốc hỗ trợ chữa lành tổn thương của cơ thể thông qua cơ chế hút độc, đào thải ra bên ngoài, đóng góp không nhỏ cho bộ máy tiêu hóa, hô hấp và bài tiết. Là một loại rau dại lành tính, mã đề cũng là một món ăn thông dụng trong thực đơn của gia đình thuần nông Việt Nam.
Cây mã đề rất giàu chất dinh dưỡng như beta carotene, canxi, vitamin C và K, các dưỡng chất thực vật như allantoin, apigenin, aucubin, baicalein, axit oleanolic, sorbitol và tanin. Toàn thân chứa một glucozit gọi là aucubin hay rinantin, ngoài ra còn chất nhày và chất đắng.
Beta carotene giúp tăng cường thị lực và hỗ trợ chống lại ung thư. Canxi giúp xương chắc khỏe và là một yếu tố cần thiết để ổn định hệ thần kinh. Vitamin C giúp hỗ trợ ngừa lại ung thư và giảm căng thẳng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Vitamin K cần thiết cho máu và sự vững chắc của mạch máu. Các hoạt chất này đều tương tác với nhau rất tốt để mang lại một cơ thể lành mạnh cho con người.
Ít ai biết loại rau dại này khi nấu canh thì ăn rất ngon, mát và vào cơm, đặc biệt trong những ngày hè nóng bức. Lá mã đề hái từ vườn về rửa sạch, bạn chú ý hái ở những nơi sạch sẽ. Đảo thịt lợn băm với chút hành khô rồi thêm nước vào, thêm mã đề vào sau cùng rồi nấu chín kỹ là ăn được. Canh bông mã đề ăn rất mát, có vị ngọt bùi dễ ăn.
Cây mã đề thường mọc hoang và được trồng để sử dụng như rau sống ăn kèm ở nhiều nơi. Mã đề được trồng bằng hạt, ưa nơi ẩm ướt và đất thịt, mềm. Cây thường được trồng vào mùa thu và mùa xuân, tuy nhiên phát triển tốt nhất vào mùa thu.
Không chỉ ăn rất ngon mà cây bông mã đề còn có tác dụng tốt cho sức khỏe trong mùa nắng nóng. Mã đề có vị ngọt, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, làm thông thoáng mồ hôi, sáng mắt, làm sạch phong nhiệt ở phổi và làm tiêu tắc nghẽn.
Trong dân gian từ lâu cây mã đề đã được biết đến là một loại thuốc nam có nhiều công dụng. Y học hiện đại cũng nghiên cứu và chiết xuất các thành phần trong mã đề để làm thuốc trị bệnh.
Các thành phần trong cây mã đề được biết đến là có rất nhiều tác dụng hữu ích cho chức năng lợi tiểu, lợi mật, chống viêm, tiêu đờm, chống ho, giảm kiết lỵ,… Trong dân gian, mã đề được dùng làm bài thuốc chữa các bệnh về đường tiểu, nhất là viêm đường tiết niệu. Làm thuốc chữa ho, viêm phế quản, trừ đờm viêm thận, viêm bàng quang, sỏi tiết niệu, viêm gan mật, viêm loét dạ dày tá tràng,… Có thể thấy, đây là vị thuốc có rất nhiều tác dụng về điều trị bệnh thường gặp.
Mã đề khá lành tính và an toàn với người dùng. Cùng với đó, đây là loại cỏ thuốc nam có nhiều lợi ích trong hỗ trợ điều trị bệnh, nhất là tác dụng lợi tiểu, mát gan, lợi mật. Tuy nhiên, việc sử dụng mã đề cũng không nên tùy tiện và lạm dụng. Khi dùng mã đề làm thuốc hay uống trà, cần lưu ý như sau:
Tránh dùng mã đề như trà giải khát hàng ngày: Nhiều người cho rằng mã đề có tính mát gan, lợi mật, có thể dùng phơi khô làm trà uống thay nước hàng ngày để bảo vệ gan. Tuy nhiên, việc sử dụng mã đề quá thường xuyên không tốt thậm chí là gây hại.
Tránh dùng mã đề buổi tối: Tác dụng chính của mã đề là lợi tiểu. Do vậy, tránh dùng mã đề vào buổi tối, nhất là việc sắc nước uống. Mã đề có thể khiến tiểu đêm nhiều lần, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Chính vì thế, đây cũng là loại thuốc tránh sử dụng đối với những người suy thận, yếu thận.
Thận trọng khi dùng mã đề cho phụ nữ mang thai: Mã đề không được khuyên dùng với phụ nữ mang thai giai đoạn đầu. Các thành phần trong mã đề không có lợi cho cả mẹ và bé, có thể gây sảy thai.
Mã đề có nhiều tác dụng nhưng với điều kiện là phải được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, kết hợp đúng bài thuốc. Việc sử dụng mã đề làm thuốc chữa bệnh tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia và bác sĩ.