Dân Việt

Hoàn toàn không thể chủ quan trong bảo đảm an ninh hàng không

Theo VGP 22/02/2023 20:44 GMT+7
Chiều 22/2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang-Chủ tịch Ủy ban an ninh, an toàn hàng không dân dụng quốc gia chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2022, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Hoàn toàn không thể chủ quan trong bảo đảm an ninh hàng không - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quangphát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các điểm cầu của các tỉnh, thành phố có sân bay trên cả nước. 

Thị trường hàng không nội địa bức phá ngoạn mục

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban an ninh, an toàn hàng không dân dụng quốc gia cho biết: Năm 2022, các nước chuyển sang trạng thái bình thường mới để phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó các hãng hàng không trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được hoạt động trở lại, khai thác và có sự phục hồi mạnh mẽ.

Đối với Việt Nam, thị trường vận tải hàng không đạt 55 triệu khách, tăng 3,6 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019; vận tải hàng hóa ước đạt 1,22 triệu tấn, bằng 94% so với năm 2021 và tương đương năm 2019.

Trong đó, vận chuyển nội địa đạt 43,2 triệu khách, tăng 1,8 lần so với năm 2021 và tăng 15,6% so với năm 2019; vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 141.000 tấn, giảm 7% so với năm 2021 và bằng 55% so với năm 2019.

Vận chuyển quốc tế đạt 12,1 triệu khách, tăng 22 lần so với năm 2021 và bằng 29% so với năm 2019; vận chuyển hàng hóa đạt 1,08 triệu tấn, giảm 6,6% so với năm 2021 và tăng 8% so với năm 2019.

Đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn phục hồi và có sự tăng trưởng mạnh so với giai đoạn trước dịch Covid-19, trong khi đó vận chuyển quốc tế đang dần hồi phục trên hầu hết các thị trường nhưng tốc độ phục hồi còn thấp do một số quốc gia, khu vực đang áp dụng các quy định, chính sách về hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19.

Việc thị trường hàng không nội địa có sự bứt phá ngoạn mục về sản lượng chứng minh cho sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, với các biện pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ngành hàng không tăng trưởng ổn định, bền vững, hiệu quả, an toàn.

Thị trường hàng không nội địa Việt Nam được đánh giá phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng là 123% so với cùng kỳ năm 2019, theo phân tích do Airbus phối hợp với Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) thực hiện.

Hoàn toàn không thể chủ quan trong bảo đảm an ninh hàng không - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, trước hết mỗi hành khách đi máy bay đều phải có ý thức tuân thủ những quy định rất ngặt nghèo về an ninh, biến điều đó trở thành thói quen bình thường của bản thân - Ảnh: VGP/Hải Minh

Còn tình trạng vi phạm an ninh hàng không

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, năm 2022 xảy ra 680 vụ việc vi phạm an ninh hàng không dân dụng, tăng 445 vụ so với năm 2021.

Số vụ việc hành khách bị từ chối nhập cảnh tăng mạnh (340 vụ năm 2022 so với 02 vụ năm 2021); số vụ việc trộm cắp tăng 73 vụ; số vụ việc gây rối trật tự, mang vật phẩm nguy hiểm tăng nhẹ.

Trên toàn quốc, hoạt động buôn bán, sử dụng, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tiền chất nổ vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, đã phát hiện, xử lý 68 vụ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

Các cơ quan chức năng bắt giữa 128 đối tượng, thu giữ 158 súng, 28.287 viên đạn, 1.513 kg thuốc nổ, 8 tấn cyanua, 700 kg nguyên liệu chế tạo đạn, 680 bình xịt hơi cay, 1.789 linh kiện súng, 211 dùi cui điện và các phương tiện phạm tội khác.

Hoàn toàn không thể chủ quan trong bảo đảm an ninh hàng không - Ảnh 3.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các điểm cầu của các tỉnh, thành phố có sân bay trên cả nước - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng là lợi dụng tiện ích của Internet, mạng xã hội, dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để liên lạc, thực hiện giao dịch mua bán trái phép vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã nêu một số bất cập trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng phản ánh còn tình trạng chiếu tia laser, đèn công suất lớn vào buồng lái máy bay, có nơi có chiều hướng diễn biến phức tạp; tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; tình trạng cò mồi, taxi dù tại các nhà ga, bến bãi...

Hoàn toàn không thể chủ quan

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, trước hết mỗi hành khách đi máy bay đều phải có ý thức tuân thủ những quy định rất ngặt nghèo về an ninh, biến điều đó trở thành thói quen bình thường của bản thân.

Mỗi một sự cố, tai nạn hàng không, dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cũng đều thu hút sự chú ý và có tác động rất lớn trong dư luận xã hội, vì thế an ninh, an toàn hàng không càng cần được quan tâm đặc biệt, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường, trong đó nguy cơ khủng bố cao hơn bất kỳ lúc nào, có thể tấn công vào những hệ thống an ninh hàng không yếu kém.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đặt ra nhiều thách thức cho việc củng cố và nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu cũng đã và đang ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không. Phó Thủ tướng cho biết ông đã chứng kiến những chuyến bay đã phải bay vòng trước khi hạ cánh do mưa lớn.

Hoàn toàn không thể chủ quan trong bảo đảm an ninh hàng không - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm đến vấn đề an ninh mạng; chuẩn bị kỹ lưỡng để các cuộc diễn tập an ninh, an toàn hàng không diễn ra thiết thực, hiệu quả - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng cũng nêu thực trạng cơ sở hạ tầng của một số sân bay đã có sự xuống cấp nhất định nhưng quá trình đầu tư nâng cấp, sửa chữa không thể diễn ra một sớm một chiều do nguồn lực có hạn và cần thời gian để chuẩn bị đầu tư.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh "chúng ta hoàn toàn không thể chủ quan", đồng thời cho biết Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị về nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng không trong thời kỳ mới để khắc phục tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến an ninh hàng không, trong đó có việc hoàn chỉnh dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Phó Thủ tướng bày tỏ nhất trí với các ý kiến phát biểu tại Hội nghị về sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa bộ, ngành với địa phương, giữa địa phương với địa phương, giữa các lực lượng trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm đến vấn đề an ninh mạng; chuẩn bị kỹ lưỡng để các cuộc diễn tập an ninh, an toàn hàng không diễn ra thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn; luôn đề cao công tác kiểm tra, giám sát việc trong lĩnh vực an ninh hàng không dân dụng./.