Dân Việt

Kiến trúc sư chia sẻ những khác biệt quan trọng khi thiết kế phòng hát karaoke tại nhà

Nhật Hà 23/02/2023 11:06 GMT+7
Vị trí, diện tích, kích thước, ánh sáng, chất liệu… là những điều gia chủ cần lưu tâm khi thiết kế phòng hát karaoke tại nhà, để vừa an toàn, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có một phòng hát karaoke gia đình hoặc phòng nghe nhạc trong nhà là điều nhiều gia chủ mong muốn khi muốn có một không gian giải trí cho gia đình và người thân, đó cũng là nơi gia đình quây quần và là sự nâng cấp chất lượng sống trong ngôi nhà của chính mình. Có rất nhiều đơn vị thực hiện việc thiết kế và thi công chuyên nghiệp dịch vụ này trên thị trường.

Tuy nhiên, nếu gia chủ có những kiến thức cơ bản về việc thiết kế và thi công phòng hát thì sẽ giúp việc lựa chọn đơn vị thi công và giá trị đầu tư trở nên dễ dàng hơn.

5 lưu ý khi thiết kế phòng hát karaoke tại nhà  - Ảnh 1.

Kiến trúc sư Lê Hoàng Tôn chia sẻ kinh nghiệm thiết kế phòng hát karaoke tại nhà. Ảnh: NVCC

Theo Kiến trúc sư Lê Hoàng Tôn (Công ty thiết kế T-architects), dưới đây là 5 điểm chính cần chú ý khi bắt đầu thiết kế khu giải trí (phòng hát karaoke gia đình) tại căn nhà đẹp 


Vị trí, diện tích, kích thước

Đầu tiên cần quan tâm tới đó chính là vị trí của phòng hát vì việc mở phòng hát hoặc phòng nghe nhạc ở nhà là một loại hình gây tiếng ồn và không phải lúc nào hàng xóm đều chấp nhận lắng nghe. Vậy nên hãy xem vị trí phòng có gần vách nhà hàng xóm không.

Tiếp theo, việc chọn diện tích và kích thước phòng cũng ảnh hưởng tới trải nghiệm nghe nhạc và thưởng thức âm thanh. Một căn phòng có kích thước từ 25-30m2 là hợp lý. Chiều rộng căn phòng từ 4m, với chiều dài gấp 1,5-2 lần và chiều cao từ 2,6m là một tỷ lệ đẹp để bạn có thể áp dụng.

Vật liệu

5 lưu ý khi thiết kế phòng hát karaoke tại nhà  - Ảnh 2.

Có một phòng hát tại nhà là điều mà nhiều gia chủ mong muốn. Ảnh: Unsplash

Đây là điểm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng trải nghiệm của một phòng hát. Câu hỏi đặt ra là: bạn sẽ phải cách âm hay tiêu âm âm thanh? Bạn nên làm cả 2 việc nhé. Dù là phòng hát gia đình, thì cũng ảnh hưởng tới sinh hoạt gia đình nếu cách âm không tốt, âm thanh sẽ ảnh hưởng tới các không gian khác trong nhà.

Tiêu âm là biến âm thanh ù ù trong một phòng nghe trở nên rõ ràng và chắc chắn, làm biến mất những âm thanh dội lại, tạo ra chất lượng âm thanh tốt hơn cho phòng hát, phòng nhạc. Bản chất 2 nhóm vật liệu này sẽ khác nhau, nhưng chúng thường được kết hợp xen kẽ để phát huy tối đa hiệu quả chống tạp âm. Các vật liệu nên sử dụng đó là: Bông thủy tinh, cao su non, gỗ tiêu âm, xốp cách âm.

Thông thoáng, là điểm cần lưu ý khi thiết kế phòng hát karaoke gia đình tại nhà đẹp

Thông thường thì yếu tố này thường không được xem trọng với hầu hết các phòng hát không được thiết kế bài bản. Nếu một phòng hát kín sẽ tốt cho việc cách âm, nhưng lại hoàn toàn không tốt cho người sử dụng, chưa kể trong phòng nếu có mùi thuốc lá hoặc mùi vật liệu thi công.

Bạn cần bố trí để cho phòng hát được thông thoáng hợp lý cho việc sử dụng trong thời gian dài. Thiết kế hệ thống hút khí và cấp khí tươi là giải pháp cho vấn đề thông thoáng.

Nếu bạn có thể thay thế hệ thống hút khí bằng hệ thống điều hòa không khí thì là đều tốt. Nhưng chắc chắn bạn nên có hệ thống cấp khí tươi liên tục cho phòng hát để có thể tăng chất lượng trải nghiệm hơn.

Ánh sáng

Bố trí ánh sáng liên quan nhiều đến vấn đề thẩm mỹ của phòng hát, thiết kế tốt sẽ giúp cho căn phòng trở nên chất lượng hơn. Trong phòng hát ánh sáng đèn không cần phải quá sáng để làm nhiễu thị giác của người sử dụng.

Ánh sáng đèn vừa phải là giúp tập trung hơn về tính giác. Đó là ánh sáng nhân tạo, còn ánh sáng tự nhiên cho phòng hát gần như là không được áp dụng cho hầu hết tất cả các phòng hát. Vì là phòng hát gia đình, việc đưa ánh sáng tự nhiên sẽ luôn giúp cho căn phòng trở nên tốt hơn. Bạn hãy bố trí các cửa sổ lấy sáng và thông gió tự nhiên cho căn phòng sau khi sử dụng xong nhé.

Các điểm nhỏ cần chú ý thêm

Phần điện cung cấp cho bộ amply nên chỉ sử dụng 1 nguồn điện độc lập từ tủ điện tổng, vì sử dụng nguồn với các thiết bị hoặc ổ cắm sẽ ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh của nhạc.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn điện của dàn âm thanh chung với các thiết bị khác trong gia đình có thể gây nên tình trạng ù nhiễu, ảnh hưởng đến khả năng trình diễn âm thanh. Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc thiết kế phòng nghe nhạc mà một đơn vị thiết kế chuyên nghiệp cần phải biết.

Hy vọng bài viết sẽ giúp các chủ nhà có cái nhìn tổng quan về việc lựa chọn và thiết kế phòng hát hoặc phòng nghe nhạc tại nhà trở nên dễ dàng hơn.