Nhà đẹp ở trung du Phú Thọ xung quanh đồng lúa, suối chảy
Điều đặc biệt trong ngôi nhà nghỉ dưỡng suối chảy róc rách ngày đêm của kiến trúc sư Hà Nội
Nhật Hà
Thứ bảy, ngày 22/10/2022 08:31 AM (GMT+7)
Ngôi nhà có thiết kế độc đáo với tường nhà trộn trấu ở Xóm Thang, xã Xuân Đài, Tân Sơn, Phú Thọ đẹp một cách bình yên, được bao bọc bởi cánh đồng lúa mênh mông và tiếng suối chảy róc rách ngày đêm.
Mua đất, xây nhà đẹp ở vùng trung du Phú Thọ, kỷ niệm 10 năm yêu nhau
Chia sẻ với Dân Việt, anh Văn (sinh năm 1986, ở Hà Nội) chia sẻ, "Vợ chồng mình ở Hà nội nhưng lại có duyên với mảnh đất Phú Thọ. Tháng 11 năm ngoái đúng ngày kỉ niệm 10 năm yêu nhau, chúng mình tình cờ biết và quyết định mua mảnh đất trên Phú Thọ làm kỷ niệm, ngôi nhà đẹp mang tên Kiến camping house được xây dựng vào tháng 5 năm nay nằm giữa thung lũng dưới chân núi Rừng quốc gia Xuân Sơn, với những cánh đồng lúa xanh mướt của bản dân tộc Mường", anh Văn nói.
Nam KTS chia sẻ thêm, ngôi nhà đẹp gồm 2 tầng, mỗi tầng có diện tích 75m2 được xây trên nền nhà cũ của người dân trong mảnh đất 3000m2. Mảnh đất này được trải dài từ đường bê tông ra đến bờ suối. Ban đầu vợ chồng anh xây ngôi nhà chỉ nhằm mục đích làm nơi trốn khói bụi thành phố mỗi dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, trong quá trình làm, anh tâm huyết quá nên nhiều người động viên và gợi ý làm cho thuê. Cuối cùng, 2 vợ chồng quyết tâm làm cho chỉn chu thành hẳn một khu vực cho thuê và cắm trại phía ngoài suối giúp nhiều người được trải nghiệm một không gian nhà ở của đồng bằng bắc bộ nhưng lại làm trên khung nhà sàn của người Mường vùng núi Tây bắc. Theo anh Văn, được cắm trại giữa một cánh đồng lúa xanh bát ngát bên cạnh là dòng suối trong lành chảy từ đỉnh núi Xuân Sơn là những trải nghiệm không nhiều nơi có.
Trước khi thiết kế ngôi nhà, nam KTS cũng xem và tham khảo nhiều công trình. Nhưng sau vì một cơ duyên nên anh mua lại được một Khung nhà sàn gỗ Táu mật của người dân bản địa. Với sự sáng tạo là một KTS nên anh dễ dàng dựa vào khung nhà và biến tấu, kết hợp. Ngoài ra, anh Văn còn thiết kế ngôi nhà theo cảm hứng cũng như tình cảm anh dành cho ngôi nhà thứ 2 này.
Nói về những khó khăn trong quá trình làm căn nhà ngói của mình, anh Văn bộc bạch " Ngày thi công căn nhà, mình vẫn phải ở Hà Nội để điều hành công ty kiến trúc của mình nên không có nhiều thời gian lên trên Vĩnh Phúc được. Mình đều phải chỉ đạo từ xa rồi cuối tuần lên kiểm tra xem cần thay đổi hay điều chỉnh cho phù hợp. Cộng với trên đó nhân công có nhiều nhưng lại chưa được tiếp xúc với bản vẽ nên là một cản trở không nhỏ.
Hơn nữa, vật liệu hoàn thiện mình đều phải chuyển từ Hà Nội lên để phù hợp với thiết kế. Trên đó không có những vật liệu cũng như mẫu mà mình cần nên mất khá nhiều thời gian", nam KTS cho hay.
Ngôi nhà gồm 2 tầng, mỗi tầng 75m2. Tầng 1 là hành lang sảnh chào đón, một phía là phòng bếp,vệ sinh và phòng ăn. Còn phía kia là phòng khách, phòng vệ sinh thứ 2 và cầu thang lên tầng 2.
Chính giữa là không gian thông tầng với điểm nhấn là Lò sưởi được thiết kế đặc biệt nổi bật thông từ tầng 1 lên mái. Tạo cảm giác thông thoáng giải quyết được vấn đề sàn tầng 2 thấp gây cảm giác bí bách của nhà sàn truyền thống. Tầng 2 là một phòng ngủ chung và thoáng dành cho 5 người. Hành lang thông thoáng vào một phòng ngủ riêng rộng gần 30m2 đủ để cho một gia đình sinh hoạt thoải mái. Tất cả các phòng đều bố trí rất nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng cũng như gió tự nhiên.
Những điều đặc biệt trong căn nhà gỗ Táu ở trung du Phú Thọ giữa cánh đồng xanh mướt
Công trình là sự kết hợp giữa hài hòa giữa khung nhà sàn truyền thống người Mường và nhà đất truyền thống đồng bằng bắc bộ. Nhưng đều được cách tân để phù hợp với công năng sử dụng của gia chủ. Cụ thể, gia chủ đã bỏ khoang giữa của nhà sàn để làm thông tầng, điều này làm giảm số lượng phòng ngủ bên trên tầng 2 nhưng bù lại sẽ có một không gian tầng 1 thực sự rất thoáng và hài hòa hơn rất nhiều.
Khung nhà sàn là gỗ Táu mật, một loại gỗ cực kì cứng và chắc chắn. Anh Văn đã dùng khò để khò cháy đen lớp bên ngoài toàn bộ khung, sau đó ráp nhẹ tạo độ mịn cho bề mặt rồi phủ lên một lớp sơn trong suốt mà vẫn giữ được màu đen mịn. Toàn bộ bề mặt sàn gỗ anh đều sử dụng loại sơn dầu lau chiết xuất từ tinh dầu thực vật mang đến độ an toàn đối với sức khỏe con người khi tiếp xúc.
Điều đặc biệt trong thiết kế, là toàn bộ tường không sử dụng một giọt sơn nước nào, thay vào đó anh Văn sử dụng vữa trộn tinh màu giống màu nâu đất của nhà đất đồng bằng bắc bộ, cộng thêm trấu để tạo thêm hiệu ứng chân thật và thân thiện hơn.
Phần sàn gia chủ sự dụng bê tông mài và gạch bông để cho phù hợp không gian mộc mạc đang có. Phần sàn nhà vệ sinh anh rải toàn bộ sỏi có sẵn ngoài suối tạo cảm giác tự nhiên.
Toàn bộ nội thất mình tìm những bộ bàn ghế Sofa thùng cũ của nông thôn bắc bộ, kết hợp với những bộ sofa đệm tạo cảm giác vừa thoải mái vừa mang đến hơi hướng cũ kỹ đồ xưa.
Khi được hỏi về góc nào là góc anh ấn tượng nhất trong căn nhà mình, Nam KTS hào hứng nói: "Góc lò sưởi có lẽ là góc mình yêu thích và ấn tượng nhất. Bởi vì nó là sự kết hợp hài hòa giữa không gian thông tầng hiện đại với một lò sưởi thiết kế độc đáo và pha thêm tường đất trộn trấu đem lại sự thân thiện. Hơn nữa mình đã khéo léo xếp gạch thô mộc theo chiều vuông góc để mang đến một hình của một chiếc lò gạch cũ – gợi nhớ không gian xưa cũ".
Tất cả ánh sáng trong nhà đều sử dụng ánh sáng vàng ấm tạo nên không gian ấm cúng hơn, và toàn bộ đèn sử dụng là đèn rọi điểm, hướng ánh sáng về những khu vực gia chủ cần giúp ánh sáng sẽ sâu hơn rất nhiều. Đèn hành lang,vđèn ngủ cũng như đèn chum giữa trần anh Văn tận dụng những Nơm bắt cá, Bu gà hoặc mũ lá để tiết kiệm chi phí và để phù hợp với không gian.
Tổng thời gian hoàn thiện căn nhà là 4 tháng với chi phí 450 triệu đồng.
Từ khi có căn nhà thứ 2, căn nhà với cánh đồng lúa xanh ngắt và dòng suối róc rách, trong lành bao quanh, anh Văn cảm thấy rất hạnh phúc, anh tâm sự: "Ngôi nhà như một giấc mơ có thật với gia đình mình, bởi từ nay về sau chúng mình đã có một chốn an nhiên, mộc mạc để về mỗi dịp cuối tuần, nơi gia mình có thể trút bỏ không khí ngột ngạt nơi phố thị và sống hoà mình với thiên nhiên". Nam KTS cười.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.