Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử Dương Thị Hải Yến cùng đồng phạm về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại điểm a khoản 4, Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan công tố cáo buộc, từ ngày 10/4/2021 đến ngày 30/7/2021, Dương Thị Hải Yến và Bùi Anh Dũng là nhân viên của cửa hàng Điện máy xanh, đã sử dụng điện thoại di động của Dũng nhiều lần đăng nhập vào phần mềm MWG của Công ty cổ phần Thế giới di động.
Nhóm này đã thực hiện giao dịch nộp tiền khống vào 2 thẻ tín dụng mang tên Nguyễn Thuỳ D và Lê Thị H do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (xin không nêu tên cụ thể - viết tắt công ty) phát hành. Từ đó làm cho hệ thống phần mềm kế toán của công ty nhầm lẫn các chủ thẻ đã trả nợ đủ và tiếp tục cấp tín dụng cho 2 thẻ tín dụng.
Sau đó, Yến và Dũng mang 2 thẻ tín dụng đến máy POS được lắp đặt tại cửa hàng điện máy Hoàng L ở thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) để thực hiện giao dịch (quẹt thẻ) dưới danh nghĩa là mua sản phẩm nhưng thực chất là rút tiền mặt.
Dũng đã tạo 124 lệnh ảo trên thẻ với tổng số tiền nhập ảo là hơn 6 tỷ đồng, sau đó rút của Công ty số tiền 621.800.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo khai nhận đã lợi dụng sơ hở trong quá trình thanh toán điện tử trên mạng máy tính của Công ty, sử dụng mạng viễn thông và phương tiện điện tử thực hiện hành vi tạo các "lệnh ảo", đưa ra các thông tin gian dối trong thanh toán điện tử với Công ty để chiếm đoạt tài sản.
Trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân bị cáo, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Bùi Anh Dũng 13 năm tù, bị cáo Dương Thị Hải Yến 12 năm 6 tháng tù cùng về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Tòa cũng buộc bị cáo phải liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại là số tiền đã chiếm đoạt.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, trong thời gian qua các hình thức lừa đảo trên không gian mạng liên tục tăng, dưới nhiều hình thức khác nhau như lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo đầu tư, giả danh cán bộ các cơ quan Nhà nước yêu cầu chuyển tiền…
Thiệt hại từ việc lừa đảo trực tuyến gây ra khó có thể ước tính được hết, vì các nạn nhân thường có tâm lý bỏ qua "mất rồi thì thôi", ngại các thủ tục trình báo, pháp lý phức tạp.
Để chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, mọi người dân cần nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện, tố giác và phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý.