Đến nay, Bộ Xây dựng đã nhận được 18/26 ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ đối với nội dung đề án, trong đó có 11 ý kiến đồng ý, 3 ý kiến đề nghị bổ sung nội dung, 3 ý kiến khác và 1 ý kiến không đồng ý với nội dung đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Liên quan tới ý kiến đề nghị xem cân nhắc mục tiêu, số lượng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoàn thành trong giai đoạn 2021-2023 để đảm bảo tính khả thi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục tiêu, số lượng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 của đề án được Bộ Xây dựng xác định theo tổng hợp số liệu của các địa phương trên cơ sở chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được thông qua hoặc đăng ký số lượng.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề xuất giảm nguồn lực thực hiện xây dựng 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 xuống còn 849.500 tỷ đồng (giảm khoảng 280.500 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu là 1.130.000 tỷ đồng).
Theo Bộ Xây dựng, việc cân đối ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về ngân sách, về đầu tư công do địa phương chủ động. Do vậy, các địa phương có thể căn cứ chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương để cân đối nguồn lực hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, bỏ nội dung "chủ trì, phối hợp với ngân hàng chính sách nhà nước sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân".
Đối với những đề nghị của Bộ Tư Pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến, làm rõ thời hạn thực hiện đối với một số nhiệm vụ. Các nhiệm vụ còn lại mang tính thường xuyên liên tục sẽ không quy định thời hạn.