Dân Việt

Tạo điều kiện an cư cho người nước ngoài và Việt kiều, có thêm 10 triệu tỷ đồng để làm nhà ở xã hội

Quốc Hải 24/02/2023 21:31 GMT+7
Theo Chủ tịch CLB bất động sản VREC

Đây là số liệu được đưa ra tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn và kết nối cung - cầu về nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều, do Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC) và Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC) tổ chức chiều ngày 24/2 tại TP.HCM.

Tạo điều kiện an cư cho người nước ngoài và Việt kiều, có thêm trên 10 triệu tỷ đồng để làm NƠXH - Ảnh 1.

Nên nới điều kiện sở hữu nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: IT

4 triệu nhu cầu về nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB bất động sản VREC & HREC cho hay, nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài và Việt kiều tại Việt Nam đang rất lớn.

Cụ thể, ông Bảo dẫn chứng, số lượng người nước ngoài đang làm việc và có nhu cầu mua "căn nhà thứ 2" tại Việt Nam đang vào khoảng 1 triệu căn. Cộng với con số thống kê trên 10 triệu Việt kiều trên khắp thế giới, hiện đang có 3,8 triệu người đến tuổi về hưu và muốn về Việt Nam. Trong số này có khoảng 70% người có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam, nên tổng số nhu cầu vào khoảng 3 triệu căn.

Tạo điều kiện an cư cho người nước ngoài và Việt kiều, có thêm trên 10 triệu tỷ đồng để làm NƠXH - Ảnh 2.

Các chuyên gia bất động sản kiến nghị nên nới lỏng để phát triển phân khúc nhà ở cho người nước ngoài. Ảnh: Q.H

"Với nhu cầu hơn 1 triệu căn hộ của người nước ngoài và khoảng 3 triệu căn hộ của Việt kiều. Tính mức giá bình quân căn hộ hiện nay vào khoảng 2-3 tỷ đồng, nếu phát triển phân khúc này sẽ mang về doanh thu rất "khủng", lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng. Nếu dùng số tiền này để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp là rất đáng kể", ông Bảo nói.

Hơn nữa, theo Chủ tịch CLB bất động sản VREC & HREC, tạo điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà được xem là yếu tố quan trọng góp phần giúp thị trường sôi động, kích thích dòng tiền ngoại hối đổ về.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Bảo cũng thừa nhận, thủ tục mua và các vấn đề pháp lý đang là rào cản khá lớn với phân khúc khách hàng này, khiến lượng giao dịch thành công đang quá ít so với nhu cầu thực tế. 

"Cần có sự hỗ trợ để mang lại sự an cư cho họ, cũng là góp phần phát triển kinh tế. Đừng lo lắng thái quá đến việc họ mua nhà nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế hay chủ quyền quốc gia", ông Bảo nhấn mạnh.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam cũng cho biết, khoảng 45% khách hàng của công ty ông là với người nước ngoài và nhu cầu thuê - mua nhà của họ đang rất cao. Tuy nhiên hiện đang gặp khá nhiều rào cản trong vấn đề giao dịch và pháp lý.

Dữ liệu giao dịch của CBRE cho thấy, nhu cầu đứng đầu thuộc về khách hàng đến từ Hồng Kông (25%, Đài Loan (16%), Hàn Quốc (12%), Singapore (10%), Trung Quốc (8%)..., sau đó là châu Âu, Mỹ.

Tạo điều kiện an cư cho người nước ngoài và Việt kiều, có thêm trên 10 triệu tỷ đồng để làm NƠXH - Ảnh 4.

Dữ liệu của CBRE về giao dịch nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo ông Kiệt, bản thân phân khúc khách hàng này cũng đang có sự chuyển dịch rất rõ. Ở TP.HCM, trên 75% nhu cầu ở khu Đông. Chủng loại sản phẩm cũng thay đổi, khoảng 5,6 năm trước đây là nhu cầu thích sản phẩm nhỏ một phòng ngủ nhưng hiện tại, những sản phẩm 2,3 phòng ngủ lại được quan tâm nhiều.

"Lý do có sự dịch chuyển, là do ngoài nhu cầu "an cư lạc nghiệp", người nước ngoài tại Việt Nam còn có mục đích đầu tư, gia tăng giá trị sản phẩm", ông Kiệt nói thêm.

Cần cởi mở thêm về pháp lý

Dù tiềm năng của phân khúc này rất lớn, nhưng theo luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Chủ tịch Công ty Luật TNHH Legal United Law, bản thân ông cũng thấy các thủ tục  pháp lý còn khó khăn chứ chưa nói gì người nước ngoài.

"Có địa phương đồng ý, nhưng có địa phương lại không đồng ý về việc có bán nhà hình thành trong tương lai cho khách hàng là người nước ngoài", ông Tùng cho biết.

Tạo điều kiện an cư cho người nước ngoài và Việt kiều, có thêm trên 10 triệu tỷ đồng để làm NƠXH - Ảnh 5.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam và các chuyên gia chia sẻ về tiềm năng của phân khúc nhà ở cho người nước ngoài. Ảnh: Q.H

Theo ông Tùng, thách thức đầu tiên là thiếu vắng các quy định pháp luật cần thiết và quan trọng để các cơ quan nhà nước vận dụng trong thực tiễn, nhất là với người nước ngoài. Tiếp theo là "thách thức về sự hiểu biết" trong việc vận dụng pháp luật trong thực tiễn xuất phát từ các cơ quan chức năng, công chứng; rồi cả đến các thách thức về vay vốn để sở hữu nhà, về hoàn thiện thủ tục.

Ngoài ra, còn có các thách thức liên quan đến ngôn ngữ, sự hiểu biết và tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cũng là điều cần tính đến.

"Chúng ta cần cởi mở hơn trong vấn đề pháp lý đối với việc sở hữu nhà của người nước ngoài. Việc sửa đổi các điều luật cần mở thoáng ra thì thị trường mới phát triển", ông Tùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB bất động sản VREC & HREC nhấn mạnh rằng, việc tạo điều kiện sở hữu nhà cho người nước ngoài là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

"Hiện nay, chúng ta phải tự nhận mình là đất nước phát triển, chỉ cần 1 người nước ngoài đến an cư tại Việt Nam, tạo việc làm cho 1 người Việt Nam thì sẽ có tới hơn 1 triệu người Việt có công ăn việc làm ổn định", ông Bảo phân tích.

Cũng theo Chủ tịch CLB bất động sản VREC & HREC, có thể tham khảo các nước trong khu vực, họ cũng cho người nước ngoài được sở hữu bất động sản trong 20-30 năm, chúng ta cũng có thể tham khảo theo cách này để có thêm nguồn lực phát triển các phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp...