Dân Việt

Nhà cổ ở Bến Tre, ngỡ ngàng, say mê từ kiến trúc nhà rường Huế đến kiểu kiến trúc Pháp cổ điển

Hoàng Huấn 25/02/2023 05:00 GMT+7
Nhà cổ ở Bến Tre rất đa dạng về kiến trúc. Kiến trúc tương đồng với kiến trúc chung của nhà cổ Nam bộ. Hệ khung gỗ, mái ngói âm dương cổ kính, vách gỗ (hoặc gạch), nền kè đá chung quanh và được lát gạch tàu.

 Bên trong trang trí nhiều liễn đối, hoành phi gỗ trang trọng. Phía trước có khoảng sân rộng được trồng nhiều cây xanh toả bóng mát.

Nhà có kiến trúc theo kiểu nhà rường Huế

Ngoài ra, còn nhiều ngôi nhà kiến trúc của Pháp với các cửa sổ hình vòm đặc trưng cùng các hoa văn đắp nổi hoặc khoét rãnh. Trong số các kiến trúc này, nổi bật có Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và Khu mộ và nhà Bảo tàng tỉnh, Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo.

Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và Khu mộ (xã Đại Điền, xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), với tuổi đời hơn một thế kỷ là niềm tự hào của nhân dân Bến Tre. 

Nhà cổ Huỳnh Phủ với kiểu kiến trúc tám đấm tám khuyết (theo kiểu nhà rường Huế), kiểu nhà chỉ có những gia đình thật sự giàu có mới có khả năng xây dựng.

Nhà cổ ở Bến Tre, ngỡ ngàng, say mê từ kiến trúc nhà rường Huế đến kiểu kiến trúc Pháp cổ điển - Ảnh 1.

Di tích Nhà cổ Huỳnh Phủ, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Bảo tàng Bến Tre


Hệ thống cột kèo được nối kết với nhau bằng kỹ thuật mộng chốt vững vàng, chắc chắn. Vách và cột bên ngoài làm bằng vôi, gạch nhưng nội thất và kết cấu sườn nhà bên trong làm bằng các loại gỗ qúy như: Gỗ lim, căm xe,… Mái nhà lợp ngói âm dương, đặc biệt là lớp ngói thí được trang trí hoa văn mặt dưới vô cùng đẹp mắt.

Nhà có hai lớp vách hay còn gọi là vách đôi, lớp vách ngoài là tường, vách trong bằng gỗ nơi lưu giữ các hoa văn chạm khắc tuyệt đẹp. Từng hạng mục từ lớn tới nhỏ đều được các nghệ nhân chăm chút bằng tài chạm khắc của mình. Cửa ra vào chạm nổi, cẩn ốc trên đố cửa, vách cửa có kỷ kê chân sắc xảo với hoa văn trang trí.

Liễn áp cột thì trang trí công phu, tỉ mỉ với hoa văn hoa lá hoá chữ tạo nét nên thơ, tăng tính thẩm mỹ. Đặc biệt là bộ tranh thơ Nhị thập tứ hiếu nhất hoạ nhất thơ được cẩn ốc trên bề mặt liễn. Nội thất ngôi nhà thể hiện được sự bề thế và tư duy thẩm mỹ cao cũng như sự giàu có của gia chủ. Hệ thống bao lam, thành vọng nguy nga tráng lệ cẩn ốc quý giá. Ba khánh thờ với kích thước lớn, hai lớp, hoa văn sơn son thếp vàng, cẩn ốc lớp trong.

Đồ án trang trí trên mỗi khánh thờ cũng đa dạng phong phú tuỳ theo tính chất của mỗi gian thờ. Phía sau ngôi nhà còn có giếng nước và giếng nước này tương truyền không bao giờ cạn từ hàng trăm năm qua. Phần Khu mộ được ông Huỳnh Ngọc Khiêm xây dựng từ năm 1911 với chất liệu bằng đá xanh từ hàng rào bên ngoài cho đến phần lăng mộ. 

\Đây là một công trình kiến trúc công phu được chạm khắc hoa văn Hán tự và tranh bích họa trên bề mặt đá. Các hoa văn điêu khắc trên gỗ, trên đá ở di tích Nhà cổ Huỳnh phủ và khu mộ là công trình lưu giữ nền văn hoá của dân tộc, các đồ án thuần Việt (chuột, thỏ, cua, ếch, cây, cỏ, hoa,…) đường nét mềm mại tinh xảo. Với giá trị về mặt văn hoá và kiến trúc nghệ thuật, Nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2011.

Công trình có kiến trúc của Pháp

Nhà Bảo tàng Bến Tre cũng là di tích nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Đây là một trong những công trình của Pháp có kiến trúc đẹp, tiêu biểu còn khá nguyên vẹn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Là một trong số ít những ngôi nhà do Pháp xây dựng ở Bến Tre từ đầu thế kỷ XX còn giữ lại được gần nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật phương Tây và cảnh quan thiên nhiên chung quanh. 

Đây là một di sản văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử của quê hương, gắn bó với cuộc đời hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo - liệt sĩ, Nhà tình báo chiến lược, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1962.

Nhà cổ ở Bến Tre, ngỡ ngàng, say mê từ kiến trúc nhà rường Huế đến kiểu kiến trúc Pháp cổ điển - Ảnh 3.

Di tích Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Ảnh: Bảo tàng Bến Tre

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông được giao một nhiệm vụ chưa có tiền lệ trong lịch sử tình báo: Luồn sâu, leo cao, hoạt động đơn tuyến, lợi dụng mâu thuẫn để đánh địch từ trong ra. Ông đã dựng ngọn cờ binh biến tại Sài Gòn trong nửa đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX cho tới khi hy sinh ở tuổi 43.

Chính Đại tá Phạm Ngọc Thảo là linh hồn và là người vạch kế hoạch đảo chính lật đổ những chế độ ở miền Nam từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Khánh. 

Ông đã góp phần làm cho phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre phát triển. Trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái quân đội, Phạm Ngọc Thảo bị xem là đối tượng nguy hiểm và bị đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. 

Dù vậy, ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ mà không trốn chạy để bảo toàn mạng sống. Thậm chí, cả khi bị bắt và tra tấn đến chết, Phạm Ngọc Thảo vẫn không lộ tung tích của mình. Mãi sau này, khi được truy phong, người ta mới biết ông là tình báo viên.

Trên cơ sở các giá trị tiêu biểu nêu trên và để tôn vinh một nhà tình báo chiến lược tài ba, công trình nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo - liệt sĩ, Nhà tình báo chiến lược, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng công trình là di tích quốc gia thuộc loại hình lịch sử.

Trên địa bàn TP. Bến Tre, còn nhiều ngôi nhà cổ với kiến trúc Pháp được bảo tồn nguyên vẹn. Ngôi nhà Sở Tài chính được xây dựng theo kiến trúc Pháp gồm 3 gian với chất liệu là bê-tông cốt thép, mái lợp ngói tây, nền lát gạch bông. Trên các đầu cột, cửa vòm có trang trí nhiều hoa văn đắp nổi.

Ngôi nhà Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bến Tre có ba gian, gồm hai tầng, có sảnh ngoài. Hệ thống cửa vòm, đầu cột có trang trí các hoa văn đắp nổi. Tuy trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được kiến trúc nguyên trạng.

Ngôi nhà Nguyễn từ đường còn lưu giữ nhiều công trình kỹ - mỹ thuật tiêu biểu: Chạm lộng, cẩn ốc xà cừ,... Nơi đây thờ cúng Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương - người sáng lập giáo phái Cao Đài Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre, giáo phái và gia đình Đức Giáo Tông trong đó có hai người con Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Nhựt có nhiều đóng góp cho cách mạng,....