Ôtô ế, đại lý vừa giảm giá sâu vừa lo giảm người
Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), tháng 1/2023 đã ghi nhận sản lượng xe du lịch tiêu thụ toàn thị trường giảm khoảng 64% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách ghi nhận tại nhiều đại lý tại Hà Nội trong tháng 2 cũng ở mức thấp.
Sức mua được nhiều nhà sản xuất nhận định là tiếp tục suy giảm. Điều này ít nhiều được thể hiện thông qua hàng loạt chương trình kích cầu giảm giá của các hãng xe cũng như đại lý như Toyota khuyến mãi 15-60 triệu đồng/xe, KIA từ 5-55 triệu đồng, Mazda từ 10-99 triệu đồng, Honda 65-100 triệu đồng…
Trao đổi với phóng viên, ông Tuấn Anh, quản lý một showroom ở Yên Nghĩa, Hà Đông cho biết so với năm ngoái, lượng khách tới xem và mua xe giảm khá nhiều. "Kinh tế dự báo khó khăn, lãi suất vay ngân hàng ở mức cao khiến nhiều người tạm hoãn mua, đổi xe. Giá xe đang ở mức thấp, ai mà có nhu cầu mua xe thì nên tận dụng" ông này chia sẻ.
Một quản lý khác tại một showroom ở Lê Văn Lương thừa nhận xe tồn nhiều khiến đại lý kẹt vốn và gặp nhiều khó khăn. "Nếu thị trường không khởi sắc, chúng tôi sẽ phải cân nhắc cắt giảm nhân sự" vị này cho biết.
“Trong ngắn hạn, nếu sức mua không được cải thiện và thị trường không tăng trưởng trở lại, để giảm áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất và nhân công, điều này sẽ tác động trực tiếp tới tình hình lao động - việc làm, từ đó ảnh hưởng tới an sinh xã hội”, ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Công nhận định.
Áp lực lạm phát và sự mất giá đồng VNĐ cũng được cho là các yếu tố ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, khiến họ cẩn thận hơn trong việc chi tiêu các mặt hàng thường xuyên và cả những mặt hàng xa xỉ như ôtô.
Theo phân tích của một số chuyên gia, căn cứ thực tế thị trường những tháng đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường xe ôtô cả năm 2023 (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có thể sẽ sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với 2022, tương đương với hơn 85.500 xe.
Thị trường xe ôtô (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới (tương đương khoảng 1.807.000 xe).
Hoạt động xuất khẩu năm 2023 cũng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2022, do hiện các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản đều đối mặt với nguy cơ suy thoái hoặc tăng trưởng chậm, khiến số lượng đơn đặt hàng sụt giảm cũng như việc áp đặt các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Cứu thị trường bằng chính sách?
Khi thị trường gặp khó, câu chuyện hỗ trợ bằng chính sách một lần nữa lại được nhắc tới.
Trên thực tế, thị trường xe năm 2022 chỉ sống khoẻ khi được trợ lực bởi chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ được thực hiện từ tháng 12/2021 và kéo dài tới hết tháng 5/2022.
Trước đó, việc áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ cho các xe sản xuất trong nước từ ngày 28.6.2020 đến hết ngày 31.12.2020 cũng đã giúp các doanh nghiệp sản xuất ôtô tại Việt Nam vượt qua khó khăn, giữ được đà tăng trưởng cũng như tăng nộp ngân sách.
Theo nhận xét của ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), trong giai đoạn 2020-2022, nhờ các chính sách giãn/hoãn nộp các loại thuế (bao gồm cả thuế TTĐB và các loại thuế khác) và tiền thuê đất đã giúp các doanh nghiệp ôtô có thêm thời gian cân đối nguồn vốn, đảm bảo thu chi để tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường, vượt qua giai đoạn khó khăn gây ra bởi dịch bệnh và việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy; cũng như tạo niềm tin vững chắc của doanh nghiệp đối với sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với ngành công nghiệp ôtô nói riêng và toàn bộ doanh nghiệp nói chung - những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh.
Tuy vậy, các chính sách này vừa qua chỉ áp dụng riêng lẻ và diễn ra trong thời gian ngắn, nên các tác động tích cực đem lại chưa đủ sâu rộng và tạo được bản lề giúp khôi phục hoàn toàn lại thị trường cũng như giúp các doanh nghiệp khôi phục hoàn toàn nguồn lực, sẵn sàng ứng phó với thách thức đem lại bởi nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Do đó, một số chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng Chính phủ và các cơ quan hữu trách nên xem xét ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm 2023, đồng thời hỗ trợ chi phí đăng ký cho người dân khi thực hiện tiêu dùng và đăng ký sở hữu xe ôtô sản xuất trong nước.