Tòa cũng triệu tập ông Nguyễn Văn Soái (người mua lại tàu Chung Ching của Công ty Khang Vinh) bà Nguyễn Thị Thủy và ông Tạ Thành Yên (người góp vốn mua tàu với ông Khang) với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra còn triệu tập ông Vũ Văn Thành với tư cách người làm chứng. Tuy nhiên, những người nêu ở trên đều vắng mặt.
HĐXX cho rằng, sự vắng mặt của những người trên không làm ảnh hưởng đến việc xét xử và tiến hành xét xử vụ án.
Trong vụ án này, ông Khang bị Viện KSND TP Hải Phòng cáo buộc: là Giám đốc Công ty Khang Vinh, biết Công ty YI CHING YANG, trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) có nhu cầu bán tàu Chung Ching đang bị Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bắt, tạm giữ phương tiện tại Bến Đoan, tỉnh Quảng Ninh.
Sau đó, ông Khang đại diện Công ty Khang Vinh và Công ty YI CHING YANG đã ký kết hợp đồng mua tàu với giá 300.000 USD.
Viện KSND TP Hải Phòng xác định, tàu Chung Ching có giá trị 12 tỷ đồng. Sau khi mua, nhận bàn giao từ đối tác nước ngoài, ông Khang không tiến hành bất cứ thủ tục nào với cơ quan chức năng để nhập khẩu tàu biển theo quy định của pháp luật mà bán lại cho Nguyễn Văn Soái và một số cá nhân với giá 10,4 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 2,6 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, ông Khang không nhận tội và cho rằng mình không phải là chủ thể phải thực hiện thủ tục nhập khẩu tàu Chung Ching.
Bị cáo giải thích, theo thỏa thuận mua bán ký ngày 15/10/2021, tại Điều 13 có ghi rõ, bên mua cam kết tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý của tàu theo đúng mục đích sử dụng và theo đúng quy định Pháp luật Việt Nam hiện hành.
Căn cứ thỏa thuận này, ông Soái mới là người phải làm các thủ tục nhập khẩu và phá dỡ con tàu. Ngoài ra tàu đã được chuyển giao cho ông Soái, nên ông này phải làm các thủ tục pháp lý liên quan.
Ngoài ra, ông Khang còn cho biết, ông Soái hoàn toàn biết về thủ tục pháp lý của tàu khi mua bán. Ông Soái chính là người đã thuê lai dắt tàu, việc Công ty Khang Vinh ký hợp đồng dịch vụ là do ông Soái nhờ thực hiện và toàn bộ tiền lai dắt do ông Soái chi trả.
Vì thế, việc cáo trạng xác định ông Soái không có trách nhiệm trong vụ án là không đảm bảo sự thật khách quan của vụ án.
Tiếp đến, theo bị cáo Khang, trước khi mua tàu, bị cáo và bà Thủy đã bàn bạc với nhau rất kỹ và đầy đủ liên quan đến việc mua tàu và giấy tờ pháp lý của con tàu.
Bởi, với một khoản tiền lớn là 8 tỷ đồng, chắc chắn khi mua và khi bán bị cáo đều phải trao đổi người góp vốn. Sau khi bán xong, mỗi lần nhận thanh toán của ông Soái, bị cáo đã dùng số tiền đó trả cho hai người này.
Đây là tiền phân chia kết quả kinh doanh, chứ không phải bị cáo đồng ý cho bà Thủy và Yên rút vốn như họ khai.
Từ đó, ông Khang cho rằng bà Thủy và ông Yên là người góp vốn, cùng tham gia giao dịch nên cũng phải có trách nhiệm pháp lý liên quan đến việc mua bán tàu, bị cáo không thể chịu trách nhiệm một mình được. Vì vậy đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra làm rõ.
Trình bày quan điểm của mình trước HĐXX, luật sư Lê Hồng Huấn – luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Bá Khang không đồng ý việc phiên tòa diễn ra không có sự tham gia của tất cả các người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, và người làm chứng.
Ngoài ra tòa không triệu tập những người liên quan khác cùng tham gia mua tàu với ông Nguyễn Văn Soái là các ông Nguyễn Văn Quý, Doãn Văn An, Nguyễn Văn Sùng, Lê Văn Xiêm và không triệu tập Nguyễn Công Tuấn - Phó giám đốc Công ty Khang Vinh, không triệu tập đại diện Chi cục hải quan Hòn Gai…
Luật sư Huấn cho rằng, sự vắng mặt của những người trên làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
Cụ thể, nếu vắng mặt ông Soái sẽ không làm rõ được những nội dung mâu thuẫn với lời khai của bị cáo Khang, về thời gian ký giao dịch mua bán, việc giao tiền được thực hiện như thế nào, việc giao tàu do ai thực hiện, việc lai dắt tàu do ai thuê để thực hiện?
Vắng mặt bà Thủy, ông Yên sẽ không làm rõ được hành vi trả tiền của ông Khang, là rút vốn hay trả tiền phân chia?
Tiếp đến, theo luật sư Huấn, việc tách ông Nguyễn Công Tuấn ra khỏi vụ án sẽ không thể giải quyết được triệt để, không xác định được vai trò, trách nhiệm của bị cáo Khang và những người khác.
Vị luật sư phân tích, căn cứ lời khai của các ông Nguyễn Văn Soái, Nguyễn Văn Quý, Doãn Văn An (nhóm mua lại tàu của Công ty Khang Vinh) đều xác nhận có liên lạc, làm việc trực tiếp giao dịch với ông Tuấn và ông này là người chốt giá bán tàu.
Ông Tuấn còn được ông Quý chuyển 3 lần với tổng số tiền là 1,2 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Công Tuấn (BL 316, 317 và 330). Trong khi đó bà Thủy, ông Yên (những người góp vốn) đều khai nhận 2 lần được ông Tuấn dẫn đi xem tàu Chung Ching và trao đổi các thông tin liên quan đến tàu.
Tiếp đến, ông Khang cũng khai đã bổ nhiệm ông Tuấn làm Phó giám đốc Công ty Khang Vinh và được giao liên hệ với công ty bên phía Đài Loan trao đổi, thương lượng và thống nhất hợp đồng mua bán tàu.
Ngày 10/11/2021, ông Tuấn trực tiếp làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai và đã ký vào văn bản xác nhận biết toàn bộ quá trình giao dịch và lai dắt con tàu…
Nhưng cáo trạng của Viện kiểm sát cho rằng không có căn cứ xác định ông Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án. Luật sư nêu quan điểm, việc này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Từ phân tích trên, luật sư Huấn đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ, điều tra bổ sung để làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Soái, bà Nguyễn Thị Thủy, ông Tạ Thành Yên và ông Nguyễn Công Tuấn.
Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TP Hải Phòng giữ nguyên quan điểm đã truy tố bị cáo. Theo đó, hành vi của ông Đỗ Bá Khang đủ căn cứ cấu thành tội Buôn lậu quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự. Còn hành vi của ông Soái, bà Thủy, ông Yên không đủ căn cứ xử lý.
HĐXX cho biết, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, chưa được làm rõ nên cần thời gian xem xét. Vì thế quyết định nghị án kéo dài, dự kiến tuyên án vào ngày thứ 2 tới đây.