Vừa qua, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
Các chuyên gia đánh giá, nếu đề xuất này được thông qua thì đây sẽ là động lực rất lớn để phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM. Thực tế, trong bối cảnh thị trường bất động sản TP.HCM đang cần vốn và thúc đẩy thanh khoản, vai trò của hai gói tín dụng càng rõ nét.
Được biết, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (khoảng 35.000 căn nhà). Giai đoạn 2026-2030, dự kiến phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (58.000 căn). Tính riêng năm 2022, trên địa bàn thành phố có 5 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, với tổng số 3.367 căn hộ nhưng chỉ có 2 dự án hoàn thành, cung ứng 1.252 căn hộ và không có dự án nào được cấp phép mới.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, mặc dù kết quả phát triển nhà ở xã hội giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước, nhưng số lượng căn hộ hoàn thành chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của người thu nhập thấp và cán bộ, công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội thời gian còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục, bồi thường giải phóng mặt bằng, vốn vay... Các chuyên gia đánh giá, gói tín dụng mới được triển khai có thể gỡ khó về nguồn vốn cho nhà đầu tư, nhóm đối tượng người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội thì vấn đề pháp lý vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho biết nếu trong 2023, không có dự án nhà ở xã hội nào được phê duyệt mở bán tại TP.HCM thì gói tín dụng khó đi vào thực tế.
Vị chuyên gia cho rằng, khi đặt trong bối cảnh muốn phục hồi thị trường theo hướng lành mạnh, phát triển ổn định thì các gói tín dụng này chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi của thị trường. Mặt khác, gói tín dụng này khó khả thi trong năm 2023.
Ông Hiển phân tích, nhóm khách hàng mà gói tín dụng hướng tới là người mua nhà ở xã hội. Nhưng tại TP.HCM, lượng dự án hoàn thiện pháp lý và đi vào triển khai trong năm 2023 sẽ có bao nhiêu? Nếu không có dự án nào, tức gói tín dụng phải chờ, tức là treo. Khả năng giải ngân gói tín dụng trên thị trường sẽ khó. Như vậy, yếu tố tác động về tính thực tế chưa có. Song gói tín dụng có hiệu quả về mặt tâm lý.
Trong khi đó, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng vấn đề quan trọng của gói tín dụng là điều kiện cho vay. Trường hợp quan trọng nhất là dự án nếu không thông pháp lý thì sẽ không thể vay vốn. Chính vì vậy, điểm nghẽn pháp lý cho các dự án cần phải ưu tiên giải quyết.
Được biết, vấn đề tháo gỡ pháp lý cho việc phát triển nhà ở xã hội đang được lãnh đạo TP.HCM ưu tiên. Tại hội nghị "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" tháng 2/2022, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, nguyên nhân dẫn đến khó khăn của thị trường bất động sản chủ yếu từ các quy định pháp luật liên quan. Các dự án nhà ở liên quan đến nhiều luật: Đầu tư, Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Đấu thầu… và đều có nhiều vướng mắc.
Về phương hướng sắp tới, TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ. Đặc biệt, hiện nay, thành phố đang tập trung 18 dự án nhà ở xã hội ưu tiên cũng như 16 dự án chung cư xuống cấp để thúc đẩy trong năm 2023.
"Nhiều năm nay, lãnh đạo TP.HCM luôn họp bàn nhiều giải pháp để xây dựng nhà ở xã hội. Tôi cũng mong mọi thứ được thuận lợi suôn sẻ, cơ quan chức năng giải quyết những vướng mắc về pháp luật và vốn, nhanh chóng xây dựng các khu nhà ở, khu nhà dành cho công nhân. Như vậy, những người có thu nhập trung bình thấp như chúng tôi mới hy vọng có nơi an cư lập nghiệp tại thành phố này" chị Lê Thị Hoa (Bình Thuận) chia sẻ.