Dân Việt

Vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH đến tay, nông dân Hà Nội đầu tư trang trại VAC, trồng nho công nghệ cao

Thu Hà 28/02/2023 13:17 GMT+7
Những năm qua, nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn Hà Nội đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế.

 Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nội phấn đấu, năm 2023 sẽ bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đầu tư trang trại, phát triển kinh tế từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH

Với nhu cầu nguồn vốn để mở rộng diện tích trang trại của gia đình, đầu năm 2023, chị Lưu Thị Hải đã được được Hội Nông dân xã Nam Triều giúp đỡ vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 70 triệu đồng. Có vốn chị đã mua thêm giống gà, giống cá, thức ăn chăn nuôi mở rộng mô hình trang trại VAC với tổng diện tích hơn 1 mẫu. Hiện nay, trang trại của gia đình chị trồng cây ăn quả, nuôi gà và thả cá thương phẩm…

Cũng như gia đình chị Hải, gia đình chị Nguyễn Thị Hoà (ở xã Nam Triều) cũng được hỗ trợ vay 70 triệu đồng trong chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để phát triển mô hình nuôi lợn sinh sản. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ kịp thời đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn để tiếp tục đầu tư nuôi hơn 10 con lợn sinh sản, góp phần nâng cao thu nhập cho kinh tế gia đình.

Vốn ưu đãi đến tay,  có ngay mô hình hiệu quả - Ảnh 1.

Nông dân xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội nhận vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Thu Nghĩa

Vốn ưu đãi đến tay,  có ngay mô hình hiệu quả - Ảnh 2.

Còn tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, mới đây ông Nguyễn Hữu Hùng cũng được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng vườn nho hạ đen áp dụng công nghệ cao. Ông Hùng cho biết, từ năm 2020, ông đầu tư trồng nho hạ đen với diện tích 3.600m2 ở xứ đồng Bãi Sen và Chôn Sa. Hiệu quả từ mô hình đã giúp ông Hùng tiếp tục mạnh dạn vay thêm vốn, đầu tư giống, chăm sóc cây và mở rộng diện tích trồng nho lên 9.700m2...

Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Đào Nguyên, xã An Thượng Nguyễn Thị Vinh cho biết: "Cứ 3 tháng 1 lần, chuẩn bị đến kỳ hạn trả lãi, chúng tôi kiểm tra, đôn đốc các thành viên trong tổ trả lãi đúng hạn. Các hội viên đều tích cực đầu tư vốn vào sản xuất, sử dụng đồng vốn hiệu quả. Nhờ đó, từ nhiều năm nay, tổ không có thành viên nào nợ xấu hoặc nợ quá hạn".

Vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH đến tay, nông dân Hà Nội đầu tư trang trại VAC, trồng nho công nghệ cao - Ảnh 3.

Lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội thăm mô hình trang trại VAC của nông dân huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thu Hà

Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức chia sẻ, đến nay, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã hỗ trợ hơn 4.200 hộ hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ hơn 170 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng CSXH. Nhìn chung, các nguồn vốn vay đều được hộ hội viên nông dân sử dụng hiệu quả, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

"Việc hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần xây dựng, hình thành các mô hình kinh tế tập thể, các hình thức liên kết trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền nông nghiệp hàng hóa trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế…" - bà Thanh cho biết.

Đủ vốn cho hộ nghèo

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh, năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 12.955 tỷ đồng, 259 nghìn khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay, tăng 1.169 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng là 10% so với năm trước.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách giải ngân trong năm 2022 đã giúp trên 800 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 90.200 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 99.300 lao động; hỗ trợ vốn cho 260 lượt học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập; hỗ trợ kinh phí cho 30.500 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 61.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…

"Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định..." - bà Hạnh nói.

Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng trưởng dư nợ gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn...

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nội nhấn mạnh: Chi nhánh phấn đấu năm 2023, bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương phấn đấu tăng khoảng 300-600 tỷ đồng so với năm 2022; tích cực đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế...