Chương trình có sự tham dự của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong bài phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nêu rõ: "Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hoá. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương Văn hóa năm 1943 đã khẳng định phải tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng và cách mạng văn hoá tại Việt Nam; thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về văn hóa.
80 năm đã đi qua, hoàn cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi, nhưng những luận điểm, giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi và giá trị thực tiễn của Đề cương - bản "Tuyên ngôn về văn hóa" đầu tiên này vẫn còn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng của mình, đồng thời tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa, đó là vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hoá; các nguyên tắc vận động của văn hóa; quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng cho tới các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế".
Trong khi đó, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hoá dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hoá, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hoá ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hoá Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng và sự hoà quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hoá các dân tộc anh em. Văn hoá ngày càng phát triển mạnh mẽ nhằm phục vụ đời sống, hướng tới nhu cầu chính đáng của nhân dân".
Chương trình nghệ thuật Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chỉ đạo nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo thực hiện, NSND Trần Bình đạo diễn, chia thành 3 chương lớn: Chương I: Văn hoá soi đường cho quốc dân đi; Chương II: Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá; Chương III: Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn...
Chương 1: Văn hoá soi đường cho quốc dân đi bao gồm những ca khúc quen thuộc Làng tôi (Văn Cao), Cờ Việt Minh (Vương Gia Khương), Lá cờ Đảng (Văn An), Đoàn lữ nhạc (Đỗ Nhuận), tái hiện lại thời kỳ đất nước bị đô hộ, nhân dân lầm than, các giá trị truyền thống bị xoá nhoà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành được thắng lợi, đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hoạt cảnh trên sân khấu dàn dựng công phu, nêu bật tầm quan trọng của bản Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943, khẳng định: "Đề cương văn hoá như ngọn đuốc soi đường giữa đêm đông tăm tối".
Chương II: Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá quy tụ những giọng ca trẻ nổi bật như Thu Hằng, Phạm Thu Hà, Đức Tuấn... Họ thể hiện đầy cảm xúc những ca khúc tái hiện thời kỳ kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc: Biết ơn cụ Hồ Chí Minh (Lưu Bách Thụ), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Sông Lô (Văn Cao), Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận)... Các tiết mục biểu diễn cùng dàn múa minh hoạ truyền tải thông điệp: Ánh sáng của văn hoá cách mạng đã làm thay đổi cuộc sống người dân, dù còn vất vả, không khí xây dựng, bảo vệ đất nước rộn ràng lan toả khắp thị thành tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi. Tiếp đó, tại giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, các ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối), Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) được lựa chọn. Màn trình diễn đưa ra thông điệp: Văn hoá Việt Nam hoà chung vào dòng chảy của lịch sử dân tộc, vừa cổ vũ công cuộc xây dựng đất nước ở miền Bắc, vừa động viên quân dân đồng lòng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi".
Chương III: Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn... mở đầu bằng đoạn băng trích dẫn lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc sáng 24/11/2021. Tại đó, đồng chí chia sẻ: "Tôi nhớ trước đây, một vị tiền bối từng nói văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất". Với các ca khúc Văn hoá trường tồn cùng dân tộc (nhạc sĩ Trọng Đài), Tôi tự hào là tương lai Việt Nam (nhạc sĩ Hoàng Hồng Ngọc), Việt Nam ơi ta bước tiếp (nhạc sĩ Kiên Ninh), chương trình nghệ thuật khẳng định: "80 năm qua, tầm ảnh hưởng của đề cương văn hoá Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Dân tộc ta đã vượt qua mọi thử thách chông gai, khẳng định với thế giới là một dân tộc ưa chuộng hoà bình và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc".
Chương trình nghệ thuật Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử được dàn dựng kỹ lưỡng, chặt chẽ, làm nổi bật giá trị của bản Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943, tiền đề quan trọng để văn hóa Việt Nam phát triển qua nhiều giai đoạn với những điều chỉnh đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chương trình một lần nữa khẳng định những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng trong chặng đường 80 năm vừa qua.