Dấu ấn của Đề cương văn hóa Việt Nam: Văn hóa phải hết "nghẽn", kinh tế mới có động lực phát triển? (Bài 4)

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 24/02/2023 08:05 AM (GMT+7)
Việc tháo gỡ các điểm "nghẽn" của văn hóa, để văn hóa "vừa là kết quả của kinh tế, vừa là động lực của phát triển kinh tế" không chỉ là định hướng mà còn là hành động của ngành VHTTDL. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông về vấn đề này.
Bình luận 0

Với tư cách là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) - Phó Trưởng Ban tổ chức sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của Đề cương văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc?

- Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, là ngọn đuốc soi đường và định hướng về tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo nền tảng ban đầu cho việc xây dựng một nền văn hóa mới. Đây được coi là bản tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và giá trị to lớn về nhiều mặt đối với việc định hướng tư duy lý luận của Đảng về văn hóa nói riêng trong suốt 80 năm qua.

Dấu ấn của Đề cương văn hóa Việt: Văn hóa phải hết "nghẽn", kinh tế mới có động lực phát triển? - Ảnh 1.

Đề cương văn hóa Việt Nam được coi là bản tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa, Ảnh: TL.

Nhìn lại toàn bộ tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam cho thấy, bản Đề cương văn hóa Việt Nam có những giá trị mang tính nền tảng, định hướng, soi đường quan trọng sau đây:

Đề cương luận giải rõ mối "quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc". Nhận định này là rất đúng đắn và mang tính nguyên tắc, định hướng cho toàn bộ sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam về sau.

Đề cương xác định rõ, văn hóa là một mặt trận và Đảng phải là người lãnh đạo phong trào văn hóa thì mới hoàn thành được sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới. Quan điểm, tinh thần này của Đề cương đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần, mang tính định hướng sâu sắc. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cần quán triệt văn hóa là một mặt trận và phát huy tính chiến đấu của những chiến sĩ văn hóa, những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật trong bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đề cương đã sớm nhận rõ vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa đối với sự phát triển xã hội, thể hiện rõ qua nhận định: "Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội".

Theo Đề cương, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta thì phải nắm vững "ba nguyên tắc vận động", đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc này đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới của Đảng và Nhà nước ta.

Dấu ấn của Đề cương văn hóa Việt: Văn hóa phải hết "nghẽn", kinh tế mới có động lực phát triển? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông. Ảnh: Trần Huấn.

Đề cương chỉ rõ, để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa hai nhiệm vụ "xây" và "chống". Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mácxít là phải chống lại văn hóa phátxít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa tân dân chủ, kiên quyết đấu tranh về học thuyết, tư tưởng, đấu tranh về tông phái văn nghệ, tiến hành cải cách chữ quốc ngữ…, xây dựng "Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung".

Đề cương đã soi sáng, dẫn đường, "thức tỉnh" và tập hợp những văn nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa và nhân dân đi theo con đường cách mạng của Đảng, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công.

Ngành Văn hóa đã vận dụng linh hoạt các vấn đề mà Đề cương văn hóa Việt Nam đã nêu ra để lan tỏa, xây dựng và phát triển như thế nào?

- Với những giá trị mang tính định hướng như tôi đã nói ở trên của Đề cương, ngành Văn hóa đã từng bước có sự vận dụng linh hoạt các vấn đề mà Đề cương văn hóa Việt Nam đã nêu ra để lan tỏa, xây dựng và phát triển, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 trước hết là ở các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa: Làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý nhà nước về văn hóa trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn.

Thứ ba, định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Thứ tư, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó, cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. 

Dấu ấn của Đề cương văn hóa Việt: Văn hóa phải hết "nghẽn", kinh tế mới có động lực phát triển? - Ảnh 3.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì họp báo tuyên truyền về sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam. Ảnh: Trần Huấn.

Thứ năm, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ sau.

Thứ sáu, quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa bởi văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, đồng thời giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình.

Đây là những giải pháp thể hiện sự vận dụng linh hoạt các giá trị của Đề cương văn hóa năm 1943, góp phần quan trọng cho việc xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; cũng như khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh con người Việt Nam.

Đề cương văn hóa Việt Nam đã soi rọi như thế nào cho ngành văn hóa?

Theo ông, Đề cương văn hóa Việt Nam đã soi rọi cho văn hóa như thế nào trong giai đoạn mới, giai đoạn mà văn hóa được xem là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

- Trong giai đoạn mới, giai đoạn hòa bình, độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là từ khi Đổi mới đến nay, kế thừa, phát huy, phát triển các quan điểm cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam, qua các kỳ Đại hội gần đây, Đảng ta đặt vấn đề xây dựng hệ giá trị Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóachuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới". Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi!".

Dấu ấn của Đề cương văn hóa Việt: Văn hóa phải hết "nghẽn", kinh tế mới có động lực phát triển? - Ảnh 5.

Bộ phim "Hồ Chí Minh năm 1946" sẽ được phát trong tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam. Ảnh: TL.

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong hơn 35 năm đổi mới gần đây, dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa năm 1943, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa được tiếp tục hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá.

Việc tạo dựng, quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới ngày càng được chú trọng, như một chiến lược sức mạnh mềm trong môi trường quốc tế nhiều biến đổi. Và đặc biệt hơn nữa là, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc lại được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Văn hoá đang từng bước thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Những năm trở lại đây, toàn hệ thống chính trị và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều rốt ráo nghĩ cách để tháo bỏ các điểm nghẽn, khắc phục những mặt còn hạn chế của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm được những việc đó tới đâu?

- Trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Tìm cách tháo các điểm nghẽn, gỡ bỏ những mặt còn tồn tại là vấn đề toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, trăn trở.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021, Ngành đã có nhiều giải pháp cụ thể tháo bỏ các điểm nghẽn nhằm xây dựng, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:

Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa; coi sự nghiệp phát triển văn hóa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân để thấm nhuần quan điểm đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người và cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tiếp cận, khai thác các giá trị văn hóa trên tinh thần "văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của phát triển kinh tế".

 soát, sửa đổi, bổ sung, tiếp tục xây dựng, đề xuất ban hành mới các chính sách pháp luật để giải quyết những "nút thắt", tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển văn hoá, thể thao và du lịch và gia đình.

Tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030", ngành đã và đang đổi mới tư duy quản lý từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Thông qua công cụ pháp luật và kiến tạo chính sách để khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa cả về nhân lực và vật lực. Chủ động nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn để đề xuất các giải pháp, chính sách quản lý phù hợp, xử lý "từ sớm", "từ xa"; tham mưu "đúng - trúng - kịp thời" cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo tháo gỡ những"điểm nghẽn" về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển văn hoá.

Từng bước nghiên cứu, xác định nội hàm hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để triển khai việc này, ngành đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" nhằm tiếp cận, kiến giải và thống nhất nội hàm, phân tích các thành tố cấu thành hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; đồng thời khẳng định tính cấp thiết cũng như ý nghĩa to lớn của việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam, đưa các hệ giá trị vào cuộc sống, tạo nên những đột phá mới trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Ngành cũng đã và đang phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, nội dung đặt ra nhiều vấn đề cả về phương diện lý luận và thực tiễn cấp bách hiện nay để chúng ta phải quan tâm cùng nhau giải quyết. Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã ban hành Đề án số 01-ĐA/BCSĐ ngày 02/02/2023 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) với nhiều hoạt động cụ thể. như: Phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 -2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" (diễn ra ngày 27/2 tại Hà Nội); xây dựng phim tài liệu, tổ chức tuần phim, chương trình nghệ thuật…. nhằm khai thác, phát huy hơn nữa những nội hàm của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Văn hóa là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ý thức sâu sắc vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai các công việc như: Phối hợp với các tỉnh/thành phố trong cả nước tiếp tục thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; 

Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các đợt phát động sáng tác tranh cổ động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao; với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025" nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo;

Với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng "Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động giai đoạn 2021 - 2026", trong đó tập trung lồng ghép, triển khai các nội dung tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội với các phong trào khác; với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên về trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; ký kết "Chương trình phối hợp với  Hội Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2022-2026" gồm 9 nội dung, trong đó có nội dung "phát huy vai trò người cao tuổi trong giáo dục, gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; giáo dục văn hóa ứng xử và xây dựng gia đình hạnh phúc".

Bài tiếp: Dấu ấn của Đề cương văn hóa Việt Nam: Làm thế nào để văn hóa thực không bị "chết" trong thế giới ảo? 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem