Dân Việt

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Ký ức ám ảnh về cái chết trong cô độc (bài 3)

Gia Khiêm 01/03/2023 06:06 GMT+7
"Trước khi mất, bạn không có gia đình, chỉ chia sẻ với chúng tôi, cầu mong bạn về nơi suối vàng yên nghỉ thanh thản. Mỗi người mỗi kiếp vui lòng nhắm mắt. Sau đó, tôi vuốt mắt họ mới nhắm...", bác sỹ Hường nhớ lại câu chuyện tiễn biệt bệnh nhân HIV/AIDS tại Bệnh viện 09.

Những cái chết trong cô độc của bệnh nhân HIV/AIDS 

Tiếp câu chuỵện với PV Dân Việt, bác sĩ Mai Thị Hường, Trưởng khoa Khám bệnh, tư vấn và điều trị, Bệnh viện 09 chia sẻ, làm bác sĩ nghĩa là gắn với sứ mệnh cứu người. Để hoàn thành sứ mệnh ấy là cả hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của người thầy thuốc. Mọi người phải quen với những áp lực, khắc nghiệt của nghề, là giây phút phải lặng lẽ giấu đi tiếng thở dài khi chứng kiến bệnh nhân lìa đời.

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Ký ức ám ảnh về cái chết trong cô độc (bài 3) - Ảnh 1.

Bác sĩ Mai Thị Hường, Trưởng khoa Khám bệnh, tư vấn và điều trị, Bệnh viện 09 kể về ký ức ca trực có bệnh nhân HIV/AIDS tử vong trong cô độc. Ảnh: Gia Khiêm

Gần 2 thập niên gắn bó với nghề tại Bệnh viện 09, bác sĩ Hường đã từng chứng kiến không ít những cái chết trong sự cô độc và lạnh lẽo khi không có người thân bên cạnh. Phút lâm chung của họ chỉ có mặt các y, bác sĩ của bệnh viện. Thậm chí nhiều bệnh nhân có địa chỉ người thân rõ ràng nhưng khi nguy kịch, nhân viên y tế gọi điện thông báo, gia đình vẫn thẳng thừng từ chối.

Có những người không có gia đình, khi tử vong bác sĩ đưa đi thiêu xong gửi tro cốt ở Nghĩa trang Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội). Có những hộp tro cốt không có người thân đến nhận bệnh viện phải đưa đi gửi ở nghĩa trang Thiên Đức (Ba Vì, Hà Nội).

Bác sĩ Hường nhớ lại, không ít trường hợp bệnh nhân ra đi khiến chị vô cùng ám ảnh. Trong những lúc thoi thóp, ranh giới giữa sự sống và cái chết còn quá mong manh, bệnh nhân đã nắm chặt tay bác sĩ rồi nói "thèm" được gặp bố mẹ nhưng cuối cùng vẫn chẳng có ai đến, họ chết mà không nhắm được mắt.

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Ký ức ám ảnh về cái chết trong cô độc (bài 3) - Ảnh 2.

Các y, bác sĩ không khỏi ám ảnh khi ca trực có bệnh nhân qua đời. Ảnh: Gia Khiêm

"Với người nhiễm HIV/AIDS trước khi mất ai cũng luôn mong muốn được gặp người thân. Ở một số bệnh viện khác, trước khi bệnh nhân lìa xa cõi đời, người thân bên cạnh rất nhiều. Tuy nhiên, ở bệnh viện chúng tôi có nhiều hoàn cảnh lúc mất không có một ai. Có những người chúng tôi chứng kiến không khỏi xót xa vì không còn người thân để gặp. Tuy nhiên, có những trường hợp còn người thân nhưng cũng rất đau lòng khi gia đình từ mặt.

Có lẽ những ông bố bà mẹ vì con nghiện ngập phá phách khiến gia đình từ mặt. Tôi nhớ trường hợp một bệnh nhân ở Hà Nội sắp tử vong, nửa đêm tôi gọi điện báo tin con trai bác đang diễn biến rất nặng sắp tử vong, bệnh nhân tha thiết muốn gặp gia đình.

Vừa dứt lời người cha bảo 'bao giờ nó chết hãy gọi'. Nghe xong chúng tôi rất buồn, nghĩ thương bệnh nhân. Mặc dù họ có lỗi trong quá trình sống nhưng nghĩa tử là nghĩa tận. Đêm hôm bác sĩ gọi đương nhiên có vấn đề chứ không ai tự nhiên gọi nhưng vì họ quá chán với giai đoạn trước đó nên khi gọi họ mới nói vậy", bác sĩ Hường xót xa kể.

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Ký ức ám ảnh về cái chết trong cô độc (bài 3) - Ảnh 3.

Khu nhà đại thể Bệnh viện 09 cách đây hơn 10 năm có ngày từng tiếp nhận 2-3 thi thể tử vong vì HIV/AIDS. Ảnh: Gia Khiêm

Bác sĩ cho hay, sau đó nam bệnh nhân đã trút hơi thở cuối cùng trong cô độc. Đến sáng hôm sau bệnh viện đã gọi điện báo tin cho gia đình thời gian bệnh nhân mất để gia đình thu xếp lo hậu sự. 

"Điều đáng buồn hơn nữa, người nhà bảo 'nó chết rồi à, thủ tục mai táng bệnh viện làm hết chứ'. Nghe xong chúng tôi bảo nếu gia đình không có thì bệnh viện sẽ làm hết các thủ tục cho bệnh nhân, mai táng Nhà nước chi trả. Nếu quá thời gian gia đình không đến bệnh viện sẽ đưa bệnh nhân đi. Không lâu sau đó, gia đình bệnh nhân đến đông nghịt", bác sĩ Hường nhớ lại.

Đặc biệt, có gia đình 3 người con trai đều nghiện ma túy dẫn tới HIV/AIDS rồi lần lượt qua đời. Chị đã từng chứng kiến có ông bố đã tiễn 3 đứa con ở bệnh viện này, nhìn những mảnh đời bất hạnh đó, các y bác sĩ rất buồn. 

"Đa phần các bệnh nhân trước khi mất rất mong muốn được gặp bố, mẹ và người thân. Có nhiều bệnh nhân chết không nhắm mắt do chưa gặp được người nhà, lúc đó tôi cũng rất buồn và thầm nói thôi bây giờ mỗi người mỗi số phận khác nhau. Trước khi mất bạn không có gia đình chỉ chia sẻ với chúng tôi, cầu mong bạn về nơi suối vàng yên nghỉ thanh thản, mỗi người mỗi kiếp vui lòng nhắm mắt. Sau đó tôi vuốt mắt họ mới nhắm...", bác sỹ Hường nhớ lại những câu chuyện buồn đã qua ở Bệnh viện 09. Chính vì chứng kiến nhiều trường hợp như vậy vào những ngày đầu khiến bác sĩ Hường bị ám ảnh hàng tuần, không ăn nổi cơm. 

Ám ảnh giây phút khâm liệm bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ

Nữ hộ lý Kim Thoa làm việc tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện 09 chia sẻ, đối với bệnh nhân HIV không có người thân, công việc của những hộ lý vô cùng vất vả vì chăm sóc từ tắm rửa đến bữa cơm, giấc ngủ. 

"Một số trường hợp mất lúc khâm liệm tôi cực kỳ ám ảnh bởi mùi hôi, cơ thể thối rữa. Để bớt mùi hôi, tôi phải đổ cả lọ dầu phật linh vào khẩu trang mà không hết. Các hộ lý phải thay phiên nhau vào làm vì không chịu nổi", chị Thoa sợ hãi nhớ lại.

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Ký ức ám ảnh về cái chết trong cô độc (bài 3) - Ảnh 4.

Bàn thờ nơi các bác sĩ trong viện thường xuyên lui tới vái vọng những người bệnh tử vong. Ảnh: Gia Khiêm

Chị luôn tâm niệm khi đã lựa chọn công việc phải yêu nghề, có trách nhiệm và làm tốt nhất có thể, thậm chí yêu bệnh nhân như chính người nhà. "Khi bệnh nhân mất, chúng tôi phải lưu ý việc lau rửa cơ thể, mặt mũi sạch sẽ, làm tươm tất như người bình thường bởi nghĩa tử là nghĩa tận và mọi việc xuất phát từ cái tâm", chị tâm sự.

Đối với quần áo của bệnh nhân sau khi thu gom chị Thoa và đồng nghiệp tiến hành ngâm khử khuẩn rồi đưa vào máy giặt sử dụng nước nóng và sấy nóng diệt khuẩn. Còn quần, áo dính máu nhiều thì cho vào thùng rác y tế để tiêu hủy theo đúng quy trình. 

Đặc biệt phòng bệnh, nhà vệ sinh được lau dọn, khử khuẩn hàng ngày để đảm bảo an toàn cho y, bác sỹ cũng như người nhà bệnh nhân.

Tiếp lời chị Thoa, bác sĩ Hường cho hay, những năm trước bệnh nhân HIV/AIDS điều trị muộn tử vong nhiều, có ngày 2,3 bệnh nhân qua đời. Giờ mỗi năm viện chỉ một vài ca. 

Chia sẻ thêm với chúng tôi, bác sĩ cho biết, ở bệnh viện đặc biệt này các y bác sĩ gặp không ít khó khăn khi nhận 100% lương nhà nước và được thêm 70% độc hại.

"Chúng tôi không có thu nhập thêm bên ngoài, bệnh nhân nghèo, cuộc sống khó khăn có cảm ơn cầm tiền của người bệnh, các y bác sĩ cũng day dứt. Ai cũng nghĩ bác sĩ có nhà lầu xe hơi nhưng bác sĩ ở đây nghèo lắm, chỉ có đồng lương tằn tiện để sống. Chúng tôi vẫn nói vui lương ở đây ổn định, không chết đói. Tất cả cũng chỉ vì người bệnh mà cố gắng làm", bác sĩ cười.

Hết!