Chuyện về những người thầm lặng điều trị HIV/AIDS: Bị người đời kỳ thị, bệnh nhân doạ giết (bài 1)

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 27/02/2023 13:30 PM (GMT+7)
Không ồn ào người ra vào như nhiều bệnh viện khác, Bệnh viện 09 - nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân có HIV/AIDS (Thanh Trì, Hà Nội) luôn đóng cửa im ỉm. Hầu hết những bệnh nhân nội trú tại đây đa phần đều nghiện ma túy và gái mại dâm.
Bình luận 0

LTS: Tại Hà Nội có một bệnh viện "đặc biệt" mang tên 09 ở đường 70 Tân Triều, huyện Thanh Trì chuyên khám, chữa cho những người mang căn bệnh thế kỷ. Hiện đơn vị đang điều trị miễn phí ngoại, nội trú cho hơn 400 bệnh nhân trên địa bàn của Thủ đô và một số địa phương lân cận, có bệnh nhân từ trại tạm giam chuyển tới với đủ mọi lứa tuổi.

Đây hiện là nơi công tác của hơn 180 cán bộ nhân viên gồm bác sĩ, điều dưỡng,… Cái nghề điều trị cho bệnh nhân HIV nghe thấy đã sợ chứ nói gì đến tiếp xúc với họ. Thế nhưng, bao năm qua những nhân viên y tế tại đây vẫn thầm lặng chăm sóc cho họ, trong số những người bệnh này có người từng lầm lỡ, có người đầy tiền án tiền sự, có người không biết nguyên do từ đâu mình bị HIV…

Không ít lần bác sĩ chứng kiến cảnh bệnh nhân doạ giết, cầm kim tiêm dính đầy máu truy đuổi nhân viên y tế, bảo vệ khắp bệnh viện, người đời kỳ thị, hay chứng kiến cảnh bệnh nhân giã từ cõi đời này trong sự cô độc mà không người thân bên cạnh…

Loạt bài "Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS" của Báo Dân Việt phần nào chia sẻ những góc khuất, tâm sự thầm kín đầy gan ruột của những nhân viên y tế tận lực, tận tâm vì nghề, vì sức khoẻ người bệnh dù trong đó có không ít người từng mang lầm lỡ, sa ngã vào con đường nghiện ngập.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Không dám nói với hàng xóm, bạn bè mình chữa cho những người mang căn bệnh thế kỷ

Trưa một ngày gần cuối tháng 2, vẫn như mọi khi, nữ điều dưỡng Ninh Thị Biên (38 tuổi) ở Khoa lao, Bệnh viện 09 bước lên phòng bệnh khám cho bệnh nhân mắc lao trên nền HIV/AIDS. Tại giường bệnh, chị Biên động viên bệnh nhân ăn uống, bớt tự ti mặc cảm với số phận. Những bệnh nhân vào đây điều trị đều được bảo mật tên tuổi, thậm chí có người giấu gia đình nên việc chăm sóc hầu như đều dựa vào các y bác sĩ và điều dưỡng. 

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Bị người đời kỳ thị, doạ giết (bài 1) - Ảnh 2.

Bệnh viện 09 hiện là nơi công tác của hơn 180 cán bộ nhân viên gồm bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Biên cho biết, đã gắn bó với nơi đây hơn 14 năm qua. Hàng ngày, chị điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS có thêm bệnh lý lao kèm theo, có người thậm chí ở giai đoạn cuối.

Theo chị Biên, thời đó, ma túy là vấn đề gai góc, môi trường nghề nguy hiểm. Khi chị quyết định xin việc vào đây cũng chỉ đơn giản muốn tìm một công việc làm tốt nên không hề nghĩ nơi đây nguy hiểm hơn mình tưởng. Hằng ngày phải tiếp xúc với những người bệnh nghiện ma tuý, HIV/AIDS (khi đó gọi chung là Sida). Chị cũng có thời gian mặc cảm không dám chia sẻ với nhiều bạn bè, hàng xóm nơi mình công tác bởi khi ấy mọi người vẫn rất kỳ thị, định kiến và lo sợ khi nhắc tới căn bệnh xã hội này.

Nữ điều dưỡng kể về công việc thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. Clip: Gia Khiêm

Thậm chí, chị Biên kể thời gian đầu yêu nhau, chồng chị bây giờ cũng chỉ biết bạn gái làm ở Bệnh viện 09 chứ cũng không biết chị làm về gì. "Trước khi chính thức về chung một nhà, tôi cũng tâm sự với chồng về việc mình làm ở đây, hàng ngày tiếp xúc và điều trị cho bệnh nhân khó khăn nhiễm HIV/AIDS. Tôi cũng thổ lộ công việc đặc thù của mình để anh biết. Tuy nhiên, chồng tôn trọng công việc của mình và luôn thầm ủng hộ khiến tôi yên tâm cống hiến cho công việc", chị Biên chia sẻ.

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Bị người đời kỳ thị, doạ giết (bài 1) - Ảnh 4.

Chị Biên đang khám cho nam bệnh nhân HIV/AIDS có nền bệnh lao. Ảnh: Gia Khiêm

"Khi vào đây tôi được các y, bác sĩ chỉ dạy, hàng ngày tiếp xúc, chăm sóc cho bệnh nhân yên tâm điều trị tôi thấy mình vui vẻ hơn. Tuy công việc đặc thù gặp nhiều khó khăn nhưng về cái tâm tôi luôn nghĩ chăm sóc người bệnh khoẻ mạnh sớm về với gia đình. Có ca trực đêm, bệnh nhân lên cơn sốt vật vã, mồ hôi đổ ra nhiều như tắm khiến tôi thức trắng trông nom. Cứu được họ vượt qua được bệnh tật sớm trở về cuộc sống đời thường đã là điều đáng quý nhất rồi", chị Biên chia sẻ.

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Bị người đời kỳ thị, doạ giết (bài 1) - Ảnh 5.

Nữ bác sĩ cho biết, đã công tác hơn 14 năm tại viện nhưng nhiều bạn bè không biết chị làm công việc này. Ảnh: Gia Khiêm

Hơn 14 năm công tác, chưa một lần chị Biên được ôm bó hoa vào ngày 27/2 (Ngày thầy thuốc Việt Nam) từ người bệnh và người nhà bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân điều trị tại đây là gái mại dâm, nghiện hút, nhiều người là nạn nhân và vô tình bị lây nhiễm, mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên họ tiêu cực, bất hợp tác với bác sĩ. Công việc có lúc áp lực, trước đây chị Biên từng có ý định xin nghỉ nhưng nghĩ lại chị lại tiếp tục gắn bó, cống iến cho công việc.

"Chúng tôi vẫn luôn động viên nhau phải vì bệnh nhân. Chăm sóc sức khoẻ tốt cho người bệnh ổn định, ra viện đã cảm thấy tự an ủi bản thân rồi. Công việc của tôi bận nên gia đình nội ngoại cũng phụ đỡ chăm sóc hai con gái lớn ở quê. Còn người con trai út thì ở với vợ chồng tôi. Mỗi lúc cuối tuần vợ chồng tôi lại thu xếp công việc về thăm con. Các con cũng chỉ biết mẹ làm bác sĩ chứ không biết cụ thể mẹ làm gì. Tôi cũng không nói vì các con còn nhỏ chưa hiểu chuyện. Sau này lớn dần các con sẽ hiểu", chị Biên tâm sự.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Từng nhiều lần bị bệnh nhân doạ giết, cầm kim tiêm dính đầy máu truy đuổi bác sĩ khắp bệnh viện

Công tác tại Bệnh viện 09 đến nay hơn 25 năm, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Nội tổng hợp chia sẻ, bệnh nhân HIV/AIDS có suy giảm hoàn toàn miễn dịch nên rất dễ nhiễm các loại bệnh khác. Chính vì thế tại đây các bác sĩ đã phải học rất nhiều và am hiểu tường tận các loại bệnh.

Theo bác sĩ Hưng, có những bệnh nơi khác không có nhưng nơi này có, thậm chí có loại bệnh chỉ ở các châu lục khác nhưng ở đây có. Đa số bệnh nhân có rối loạn tâm thần, lệch chuẩn hành vi, đảo ngược nhịp sinh học đó là chưa kể virus HIV/AIDS phá hủy tế bào.

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Bị người đời kỳ thị, doạ giết (bài 1) - Ảnh 6.

Bệnh viện 09 - nơi bác sĩ Hưng và nhiều nhân viên y tế công tác. Ảnh: Gia Khiêm

Ngoài là thầy thuốc đa khoa điều trị cho những người HIV/AIDS, bác sĩ Hưng cho biết bác sĩ tại bệnh viện còn là người bác sĩ tâm lý điều chỉnh tâm lý như một nhà công tác xã hội có kiến thức để chia sẻ, động viên, nắn chỉnh hành vì của người bệnh.

Trong khoảng thời gian hơn hai thập niên là bác sĩ điều trị, bác sĩ Hưng không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần từng bị bệnh nhân đe dọa, truy đuổi. Những người có HIV bao gồm rất nhiều loại người.

Có người được coi là những giang hồ thảo khấu nên cách hành xử cũng khác người thường. Thế nên tất cả các quy định của bệnh viện những đối tượng bệnh nhân này thường không tuân thủ. Chẳng hạn quy định là không được sử dụng điện nước tùy tiện thì họ bê nguyên cả cái bếp điện đến nấu giữa phòng. Nếu các bác sĩ, y tá ở đây nhắc nhở thì bệnh nhân đòi đánh lại, chống trả.

Chuyện về những người thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS: Bị người đời kỳ thị, doạ giết (bài 1) - Ảnh 7.

Không gian tĩnh lặng bên trong bệnh viện 09. Ảnh: Gia Khiêm

"Với những bệnh nhân là người nghiện ma túy nặng thì họ sẵn sàng ăn cắp từ những thùng rác, ném ra ngoài cho một đối tượng khác để lấy tiền mua ma túy… Thậm chí có những bệnh nhân có gia đình hẳn hoi nhưng từ khi phát hiện bệnh nhân mang HIV, gia đình sống cách ly luôn. Những bệnh nhân như thế không còn gì để mất nên hành xử rất ngông cuồng. Nhiều khi lên cơn nghiện, họ đập cửa buồng tiêm bắt bác sĩ phải cho thuốc gây nghiện. Nếu không đáp ứng được thì bệnh nhân sẵn sàng chửi bới, đuổi đánh bác sĩ", bác sĩ Hưng nói.

Nam bác sĩ chia sẻ, đã có trường hợp bệnh nhân mang HIV, nghiện ma túy lâu năm kiếm được chiếc xi lanh, tự hút máu mình. Sau đó bệnh nhân cầm chiếc xi lanh đầy máu đi vòng quanh bệnh viện, gặp bác sĩ nào cũng dọa. 

"Bệnh nhân gây áp lực tới các bác sĩ nếu không cho tiền để mua thuốc thì sẽ dùng kim tiêm có máu này đâm vào người. Nhiều khi để tránh những hiểm họa trước mắt, các bác sĩ buộc phải gom tiền đưa hắn cho êm chuyện. Có thời gian hộ lý phải đi lau chùi tường, sàn nhà thường xuyên vì bệnh nhân đó xịt rất nhiều máu vào tường để uy hiếp", nam bác sĩ kể.

Còn nữa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem