Ghi nhận của PV Dân Việt, tại xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), trên cánh đồng rau nằm ven Quốc lộ 1A, người dân đang hối hả thu hoạch các loại rau màu được trồng theo hướng VietGAP.
Clip: Người dân xã Hồng Thủy, xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về việc trồng rau sạch cho thu nhập cao
Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Lê Thanh Mỹ (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Trước đây, nhà tôi làm lúa nhưng cứ đến ngày gần thu hoạch là mưa lũ đổ xuống khiến năng suất giảm, thu không bù chi. Khoảng 2 năm nay, nhà tôi chuyển sang trồng rau, mấy chục ngày là thu hoạch được nên không lo mưa, lũ tàn phá. Việc trồng rau theo hướng hữu cơ nên vừa an toàn vừa cho kinh tế khá cao".
"Tôi chủ yếu trồng rau cải, hành, mướp đắng... và chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau cũng ổn định, mỗi năm thu từ 100 – 150 triệu đồng", bà Mỹ nói.
Ông Phạm Minh Huấn - Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy chia sẻ: "Xã Hồng Thủy có trên 350 hộ tham gia trồng rau trên diện tích khoảng 200 ha. Mỗi năm, người dân có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng".
"Để phát triển nghề trồng rau, UBND xã vận động bà con mở rộng diện tích, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau. Nhờ đó, nhiều hộ trồng rau có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi cũng vận động bà con chuyển hướng đến vùng rau an toàn, rau sạch để dần xây dựng thương hiệu rau sạch Hồng Thủy", ông Phạm Minh Huấn cho hay.
Xã Thanh Thủy cũng là một trong những vựa rau lớn của huyện Lệ Thủy. Toàn xã có 342ha đất trồng rau, tập trung chủ yếu ở thôn 1 và thôn 4 Thanh Tân, thôn 3 Thanh Mỹ. Hiện, trên địa bàn xã có 175ha diện tích đất trồng rau cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Bà Dương Thị Tuyết (ở xã Thanh Thủy) cho biết: "Gia đình tôi đang có 2 sào đất để trồng rau. Tôi trồng các loại rau như: xà lách, hành, cải, ngò... và gối vụ để có rau thu hoạch liên tục. Rau được trồng theo hướng hữu cơ nên đảm bảo chất lượng, các thương lái luôn đặt hàng từ trước nên rất dễ tiêu thụ và giá cao hơn".
Ông Trần Hòa Hợi - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho hay: "Một năm, bà con nơi đây thường nghỉ 3 tháng mưa lũ, còn lại 9 tháng luôn làm rau ở ngoài đồng ruộng. Cứ quay vòng thu hoạch loại này xong là làm đất xuống giống loại khác. Nhờ trồng rau nên thu nhập của bà con được cải thiện đáng kể. Riêng dịp Tết, sản lượng rau bán ra thị trường rất nhiều nên thu nhập tăng từ 4 - 5 lần".
Ông Lê Văn Tân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết: "Vụ đông - xuân năm nay, địa phương gieo trồng trên 1.100ha rau các loại. Diện tích trồng rau tập trung ở các xã vùng cát ven Quốc lộ 1A như Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy và Hưng Thủy. Những ruộng rau ở đây bà con chủ yếu trồng các loại rau củ, quả như cải, hành, nén, su hào, đậu cô ve, mướp ngọt, mướp đắng…"
Theo ông Lê Văn Tân, ban đầu, để hỗ trợ người trồng, huyện Lệ Thủy đầu tư 300 triệu đồng triển khai đề án "Vùng trồng rau an toàn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm" trên diện tích 16 ha.
Đề án triển khai tại các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Nòng cốt thực hiện đề án là 4 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã trồng rau an toàn tại các xã vùng cát. Từ đề án này đã cho bà con thu nhập cao và tư duy mới về nền nông nghiệp sạch.
Địa phương đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, bao bì, nhãn mác cho nông dân tham gia đề án.
"Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các vườn rau xanh, sạch, đẹp trên địa bàn thu hút khá nhiều khách đến chụp ảnh, tham quan, qua đó khẳng định phần nào sự khả thi của việc trồng rau hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm. Thời gian tới, khi các mô hình của đề án đi vào hoạt động ổn định, huyện sẽ hướng dẫn người trồng đón tiếp các đoàn đến tham quan, trải nghiệm", ông Lê Văn Tân chia sẻ.