Dân Việt

"Anh Chánh Văn đời đầu" Đoàn Công Huynh: "Hổ thẹn tiễn vọng một người văn"

Đoàn Công Huynh 02/03/2023 07:23 GMT+7
"Thương anh như thương một người tình không gặp kiếp này. Em như giờ thứ 25 của anh, như là phím dương cầm 25 của anh. Nhưng xin cảm ơn anh đã đánh thức em, khi chiều buông đầy tiếng thở dài", "Anh Chánh Văn đời đầu" Đoàn Công Huynh gửi lời tiễn biệt nhà thơ, dịch giả Dương Tường.

Đăng tải hình ảnh nhà thơ, dịch giả Dương Tường trên trang cá nhân, "Anh Chánh Văn đời đầu" Đoàn Công Huynh viết: "Hổ thẹn tiễn vọng một người văn".

Tác giả tiểu thuyết "Bố già", Mario Puzo, trong một cuốn sách khác có tên "Ông trùm quyền lực cuối cùng" (The Last Don), miêu tả một nhân vật là nha sĩ lừng danh Hollywood chữa răng cho một nhà văn danh tiếng. Vị nha sĩ này tận tình tận hiến với nhà văn đến mức còn giúp nhà văn làm một việc tày đình khác có thể khiến vị nha sĩ này tán gia bại sản, thân bại danh liệt. Anh ta giải thích sự giúp đỡ này rất giản dị như sau: Tôi vẫn còn nợ anh cái cảm giác lạc thú mà những cuốn sách của anh đã mang lại cho tôi.

Vậy mà.

Ông Dương Tường, người dịch trên 50 danh tác của thế giới. Một nhà thơ tài danh làm thơ bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Một nhà phê bình nghệ thuật và là "bà đỡ" cho các nghệ sĩ của nghệ thuật đương đại, liên ngành thơ ca nhạc họa.

Một người cho đến cuối đời còn dịch ngược tác phẩm "Truyện Kiều" ra tiếng Anh, mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới...

"Anh Chánh Văn đời đầu" Đoàn Công Huynh: "Hổ thẹn tiễn vọng một người văn" - Ảnh 1.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường. (Ảnh: FB Đoàn Công Lê Huy)

Trong hơn 50 danh tác của thế giới cả hiện đại và đương đại mà ông góp phần mang đến, như chùm sáng chói loà đó, ít ra cũng có vài ba cuốn, là những tia sáng chói lòa chiếu vào tuổi trẻ tĩnh lặng và nghèo nàn của riêng ta, mà ngay cả đến những bà tiểu thương chợ Đông Ba hay chị bán pharmacy phố Ngọc Khánh cũng từng đọc, như "24 giờ trong đời một người đàn bà", "Bức thư của người đàn bà không quen", "Cuốn theo chiều gió"... Và ơ kìa, trên giá sách của ta vẫn đang có cuốn "Lolita" mà đứng cách 5 mét ta còn đọc được tên sách. Ở cái thuở "Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu" (Lưu Quang Vũ) đó, ở cái hang sâu Bắc bộ (ĐHD) của thuở chia cắt đó, những tia sáng của ông mang đến đã là huy hoàng biết mấy.

Thế mà chính ta, ta cũng chẳng biết gì về người mang sáng này.

Thành ra, ta sống hời hợt quá. Thành ra, ta vô ơn với ông ấy và ta vô tình với cuộc đời này biết mấy.

Thôi thì, cũng đành lòng như vậy bởi vì thói thường của ta lâu nay vẫn như vậy đó thôi.

Nhưng mà, có vẻ như, lần này, ta không thể đành lòng được nữa, khi mà cái chết của ông, sự ra đi của ông, trong sự rung động của xã hội ánh xạ toàn ánh lên mạng xã hội cho phép ta biết ông ta là ai.

Ông Dương Tường, kẻ ta chịu ơn, kẻ cho ta những cuốn sách từng làm gối mộng đầu giường, chính kẻ đó đã đi bán máu "chuyên nghiệp", có thẻ hành nghề "mãi" huyết, để nuôi gia đình và dịch sách cho ta đọc mỗi ngày, làm thơ cho ta xem mỗi tối. Một người đàn ông cao mét sáu và nặng chỉ 40 kg, thường xuyên đi bán máu để cả gia đình sinh sống.

Một người thường nhịn ăn cho qua bữa. Một người có thể lân la ăn chực bạn bè, chỉ một bát thôi, để bớt một bữa ăn ở nhà.

Dù ông đã bán máu một cách cao nhã, trong sự nhẹ nhàng vô ưu và hóm hỉnh, dù ông bán tem phiếu, nhịn ăn, ăn chực trong sự trong sáng của tư cách con người ông, thì cũng không làm cho ta nguôi nghĩ ngợi.

Thực ra, có thể là một lần nào đó, duy nhất, con người nhỏ nhẹ, không thạo giao tiếp khẩu ngữ đời thường này đã từng phát đi tín hiệu, đã hé lộ là anh ấy đau, anh ấy đang trị liệu. Là cái lần anh băng bó cơ thể mình bằng một giải băng giấy ghi thơ trên đó, nhưng có lẽ ta không biết thông điệp tinh tế của anh ấy. Ta chỉ nghĩ về biểu đạt của một nhà thơ cách tân mạnh mẽ, thơ không chỉ đọc mà còn là thơ nhìn - thơ thị giác, thơ sắp đặt - đồ thi, thơ vô ngôn - thơ ngoài lời. Chúng ta chỉ nghĩ ông không lúc nào không vật vã tìm hướng đi mới để cho thơ Việt song hành cùng thế giới đương đại.

Chúng ta đã không biết.

Giá mà nhiều phía chúng ta không ai bị hauntology, giá mà chúng ta khoan dung hơn, khoan dung là tên gọi khác của hoà giải; chúng ta biết chịu đựng nhau, cả biết chịu nhau và biết đựng nhau hơn, thì có lẽ nỗi phiền muộn lúc này không day dứt đến thế. Âu cũng là: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.

Ôi, ta đã làm chi đời ta?

Ai đã làm chi đời ta?

Cơ mà, ngay cả rên lên như vậy thì tôi cũng ngay lập tức thấy xấu hổ với ông Dương Tường ấy. Và không xứng đáng với chính tôi nữa. Bởi vì ông ấy không hỏi như vậy, ông không đổ lỗi và không thở than tầm thường như vậy. Cả đời ông, 92 năm là 92 chiếc cối đá kiên trì, ông miệt mài "ráng làm mỗi thứ một tí, cố gắng kiễng chân, cố gắng nhích lên, mỗi người ráng ghé vai đẩy từng milimét, từng phần của milimét, làm sao để thế giới phải khác đi".

Tôi nghĩ, đây là thông điệp có ý nghĩa nhất ông để lại cho nhiều phía, của dân tộc, hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa. Chính ông đã nhích lên trên từng con âm con chữ, nhích lên trên từng mẩu bút chì, từng đoạn mực bút bi, nhích lên trên từng vỏ bao thuốc lá, từng mẩu giấy một mặt, từng trang báo úa vàng. Nhích lên trên từng cc máu, từng kg thịt của chính cơ thể mình. Đó là triết lý sống thực tiễn nhất mà ông gửi lại, cho mỗi người, để vượt lên, và cho đất nước mình, để vượt lên. Một triết lý sống mà ông đã trọn đời thực hành và chói sáng. Một triết lý sống đã chắt ép ra trong toàn bộ cuộc đời ông, trong tầm cao của ý chí và nghị lực, trong chiều dài của suy tư và nhận định, trong viễn kiến của một bậc thức giả biết Đông biết Tây, hiểu người hiểu đời và đo được biến thiên của nhân trí, biến thiên của xã hội.

Một người từng đi qua nhiều nỗi khổ, lúc sống ta không biết, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ tiếc thương người cảm phục. Cảm phục hay tiếc thương tôi đều thấy có gì bất ưng với lòng mình. Chỉ có nỗi hổ thẹn là có thật. (Âm hưởng của Hoài Thanh với Hàn Mặc Tử cứ lởn vởn hoài trong đầu tôi những ngày này).

"Anh Chánh Văn đời đầu" Đoàn Công Huynh: "Hổ thẹn tiễn vọng một người văn" - Ảnh 3.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (tên thật là Trần Dương Tường) sinh năm 1932 tại Nam Định qua đời ngày 24/2/2023, hưởng thọ 92 tuổi. (Ảnh: FB Đoàn Công Lê Huy)

Gửi lại em

gửi lại em tất cả

kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ

Vâng, giờ này thì anh đã đi rồi. Anh đã gửi lại nỗi khổ đau hoành tráng nơi trần thế, gửi lại giá trị nhân bản của nghệ thuật cho trần thế. Nhưng em tin là anh mang theo, mang theo giá trị con người, mang theo tình cảm tột cùng yêu thương con người của anh, như anh đã nói từ thuở hoa niên:

Riêng đêm em xoè bóng nốt ruồi

24 quầng

anh giữ

Vâng. Đến lúc này em muốn gọi anh là anh, như anh thường muốn. Gọi là anh, bởi vì sự nghiệp và con người của anh mãi mãi đương hoa. Một người - văn, giá trị con người và giá trị văn chương đều đương hoa, mãi mãi.

Không ngờ, sự ra đi của anh lại mang em lại gần anh hơn. Từ nay người biết văn - người. Biết anh lòng em tinh tấn hơn. Thương anh như thương một người tình không gặp kiếp này. Em như giờ thứ 25 của anh, như là phím dương cầm 25 của anh. Nhưng xin cảm ơn anh đã đánh thức em, khi chiều buông đầy tiếng thở dài.

3 giờ 44 phút sáng hôm qua (1/3), có bạn hỏi em có đi viếng tang anh không. Em bảo rằng không. Em phải tủi hổ chân thành ngồi viết kiểm điểm.

Giờ thì kiểm điểm cũng xong rồi. Xin bái biệt tiễn vọng anh, một người - văn mãi mãi đương hoa.