Dịch giả Dương Tường: Một cuộc đời tận hiến cho văn chương
Dịch giả Dương Tường: Một cuộc đời tận hiến cho văn chương
Yến Linh
Thứ bảy, ngày 25/02/2023 12:33 PM (GMT+7)
"Ông là một người thực sự dấn thân cả đời cho văn học, trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật. Cho đến tận những năm cuối đời, dù sức khỏe ông đã quá hao mòn nhưng cảm hứng sáng tạo lúc nào cũng tràn đầy", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (tên thật là Trần Dương Tường) sinh năm 1932 tại Nam Định. Ông học trung học tại Hà Nội, sau đó theo kháng chiến, vào bộ đội năm 1949. Năm 1955, ông giải ngũ rồi trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, về hưu năm 1979.
Gia tài dịch thuật của ông gồm hơn 50 tác phẩm của nhiều tác giả lớn trên thế giới. Không ít bản dịch của ông đã trở thành thanh xuân của nhiều thế hệ độc giả như: Lolita, Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Bức thư của người đàn bà không quen, Kafka bên bờ biển, Con đường xứ Flandres... Năm 2020, ở tuổi 88, ông hoàn thành bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh sau hai năm miệt mài dùng kính lúp đánh từng con chữ, coi đó là đỉnh cao cần chinh phục cuối cùng.
Dương Tường đến với nghiệp dịch thuật một cách tình cờ. Thời thanh niên, ông từng ngày ngày lui tới hai thư viện lớn nhất ở Hà Nội (Thư viện Quốc gia và Thư viện Khoa học xã hội). Sau này, khi đang làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam, sau vài năm miệt mài ở thư viện, ông đã dịch những cuốn sách đầu tiên: Cây tường vi"và kịch Chim hải âu của Chekhov. Nghiệp chữ nghĩa từ đó cứ thế gắn chặt với ông, dần dà khiến anh thành một trong những dịch giả có sức ảnh hưởng lớn nhất trong nền văn học Việt.
Nhắc tới Dương Tường, đồng nghiệp luôn nhớ tới một người đàn ông tận tụy, lao động cật lực với con chữ. Những năm tháng cuối đời, dù mắc nhiều bệnh nặng, ông vẫn "tham công tiếc việc", không hề ngưng nghỉ. Ông chia sẻ: "Tôi cảm thấy cuộc đời mình đã được tiếng Việt nuôi dưỡng, được làm nghề, sống với nghề nên muốn có một tác phẩm ghi dấu ấn cuối đời".
Bên cạnh sự nghiệp dịch thuật, Dương Tường còn là một nhà thơ, nổi tiếng nhất là thi phẩm Tình khúc 24, từng được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc:
"24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư
Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuet 24 âm xưa
Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau..."
Nhận xét về thơ Dương Tường, nhà văn Châu Diên từng chia sẻ: "Nhà thơ thường cô đơn. Làm thơ là nói một mình. Dương Tường là người dễ cảm, nhưng thực sự là một người mơ mộng. Và là người ở tuổi này, trong thơ và đời, vẫn rất đỗi trẻ trung…". Trong khi đó, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: "Tường thi là thứ thơ không chỉ đọc, còn nhìn. Tường thi là thơ của một người chơi thích chơi thơ và biết mình chơi thơ. Chơi thơ tiếng Việt, đành rồi, lại cả chơi thơ tiếng Pháp, tiếng Anh. Tường thi là cả tự dịch thơ mình Việt ngữ ra Anh ngữ, Pháp ngữ cũng như tự mình viết thơ bằng hai ngữ đó".
Dịch giả Dương Tường còn tác động lớn tới các hoạt động văn hoá Việt Nam với những hoạt động mạnh mẽ của ông trong lĩnh vực văn chương, hội hoạ. Ông có mối quan hệ thân thiết với những tên tuổi lớn như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Trịnh Công Sơn, Hoàng Lập Ngôn, Bửu Chỉ, Lưu Công Nhân, Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Trần Tuấn, Trần Lương, Hà Trí Hiếu... Được anh em nghệ sĩ nhiều thế hệ yêu quý, ông kết nối họ và cùng họ chia sẻ, tìm hiểu về nghệ thuật. Những triển lãm đầu tiên của nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài có sự đóng góp không nhỏ của Dương Tường. Ông giới thiệu các nghệ sĩ trong nước, kết nối họ với cộng đồng quốc tế.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời lúc 20h08 ngày 24/2, hưởng thọ 91 tuổi. Sự ra đi của ông khiến nhiều đồng nghiệp và độc giả thương tiếc.
Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Ông là một người thực sự dấn thân cả đời cho văn học, trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật. Cho đến tận những năm cuối đời, dù sức khỏe ông đã quá hao mòn nhưng cảm hứng sáng tạo lúc nào cũng tràn đầy".
Ca sĩ Khánh Linh thể hiện ca khúc" Tình khúc 24" (Lời thơ: Dương Tường, nhạc: Phú Quang)
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bàng hoàng trước sự ra đi của người bạn thân thiết: "Sự ra đi của Dương Tường đối với tôi vẫn là quá đột ngột, dẫu biết ông đã ngoài tuổi chín mươi, dẫu biết ông đã nằm viện hơn hai tháng nay, dẫu biết ông có thể rời bỏ cõi đời bất cứ lúc nào. Khoảng thời gian ông ở bệnh viện không ai người ngoài được vào thăm do những quy định nghiêm khắc của ngành y tế đối với người bệnh. Và thế là tôi đã không được gặp ông lần cuối như những lần tôi đến nhà ngồi bên ông. Phút cuối bên ông có vợ chồng con trai, vợ chồng con gái, và một đứa cháu. Ông đã rời cõi thế trong một cơn mê kéo dài. Anh đi, những trang thơ và trang sách dịch của anh ở lại".
Nhà thơ Hồng Thanh Quang gửi lời đưa tiễn: "Thương tiếc dịch giả, nhà thơ Dương Tường - một người đáng kính". Nhà văn Trần Thanh Cảnh viết: "Kính tiễn ông về miền mây trắng. Bay đi nhé con chim chích choè, trong ríu ran tiếng nhạc tình khúc 24". Hàng loạt nghệ sĩ như: diva Mỹ Linh, ca sĩ Tùng Dương, Phương Linh, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, diễn viên Hồng Ánh đều gửi lời chào tới người dịch giả gạo cội.
Ra đi ở tuổi 91, nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã để lại một cuộc đời đáng khâm phục và tự hào. Phím cầm chiều ngày nào, nay sẽ còn trong nỗi nhớ của nhiều thế hệ độc giả, những người đã được ông mở cánh cửa, đưa họ tới các tác phẩm văn chương bất hủ của nhân loại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.