Dân Việt

"Thủ phạm" gây ra 200 căn bệnh là gì?

Bạch Dương 02/03/2023 14:59 GMT+7
Ngày 2/3, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đã tổ chức hội thảo về giải pháp mới trong chẩn đoán và điều trị béo phì, "thủ phạm" gây ra hơn 200 bệnh khác nhau như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và nhiều bệnh lý khác.
"Thủ phạm" gây ra 200 căn bệnh là gì? - Ảnh 1.

Bác sĩ đang tư vấn cho bệnh nhân béo phì. Ảnh: BVCC

Hà Nội và TP.HCM "gánh" 18% tỷ lệ béo phì cả nước

Theo BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Thống kê năm 2021 cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường (5 – 18 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân, béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

BSCKII Thái Văn Hùng - Phòng khám Tư vấn và Điều trị Giảm cân Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, thừa cân, béo phì và đái tháo đường có liên quan với nhau như "hình với bóng". Những người thừa cân, béo phì có tình trạng tăng đề kháng insulin, làm giảm tiêu thụ đường ở mô ngoại biên, từ đó làm tăng lượng đường trong máu – cơ chế chính dẫn đến đái tháo đường týp 2. Một số nghiên cứu ghi nhận, người béo phì và thừa cân có nguy cơ đái tháo đường cao gấp 2 lần so với người cân nặng bình thường.

Phòng khám Nội Tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám và điều trị cho khoảng gần 6000 bệnh nhân bị đái tháo đường mỗi tháng, trong đó số người có bệnh đồng mắc như tăng huyết áp khoảng 70 - 80%, bệnh rối loạn mỡ máu khoảng 80% và khoảng 30% có tình trạng thừa cân, béo phì.

Bác sĩ Võ Đức Chiến nhấn mạnh, béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống còn, gây ra 200 bệnh khác nhau như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, đột quỵ, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh lý khác…

"Đặc biệt, nhiều bệnh nhân hiện nay đang tìm kiếm và sử dụng các phương pháp giảm cân chưa chính thống, nhiều loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe và đời sống người dân.

Không ít bệnh nhân nhập cấp cứu tại các cơ sở y tế trong đó có Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với tình trạng chân, tay sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi, suy gan cấp, suy chức năng thận kèm theo tình trạng rối loạn điện giải, đe dọa tính mạng hoặc có trường hợp bị mệt mỏi, da mẩn đỏ, người lả đi, được chẩn đoán suy nhược cơ thể do lạm dụng các sản phẩm hay viên uống giảm cân không rõ nguồn gốc, mua được trên các trang mạng xã hội", bác sĩ Thái Văn Hùng cảnh báo.

Trước thực tế này, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chính thức triển khai phòng khám tư vấn và điều trị giảm cân - Healthy Weight Clinic. Đây là một trong những phòng khám đầu tiên tại Việt Nam có đầy đủ phương tiện, đội ngũ bác sĩ đa chuyên khoa với sự dẫn dắt của khoa Nội tiết với cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ bệnh nhân béo phì.

Người béo phì cần làm gì?

Những người có chỉ số cơ thể BMI từ 23 trở lên cần gặp chuyên gia tư vấn sớm để có chiến lược can thiệp thích hợp. Việc quản lý thừa cân béo phì cần kết hợp đa yếu tố, các phương pháp điều trị béo phì gồm các can thiệp toàn diện về lối sống như hoạt động thể chất, liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc, đặc biệt là liệu pháp dinh dưỡng.

"Thủ phạm" gây ra 200 căn bệnh là gì? - Ảnh 3.

Điều trị cho một bệnh nhân béo phì. Ảnh: BVCC

Dù người béo phì cần giảm lượng thức ăn, nhưng cần đảm bảo nguyên tắc đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể, cần lựa chọn các thực phẩm giàu protein và ít lipid như thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, pho mai gầy, trứng, đậu đỗ; nên ăn cá nhiều hơn thịt; ưu tiên ăn các món luộc, hấp, nướng ít dầu mỡ. Nếu muốn uống sữa, nên uống sữa dành cho người thừa cân, béo phì hoặc sữa tách béo không đường, sữa giàu canxi, sữa chua ít hoặc không đường...

Sử dụng những thực phẩm nhóm tinh bột còn nhiều chất xơ như bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ. Ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no, không bỏ bữa, cũng không để quá đói (vì sẽ ăn nhiều vào các bữa sau). Buổi tối không ăn sau 20 giờ. Ăn rau xanh và quả chín khoảng 500g/ngày, nên chế biến ở dạng luộc, nấu canh, làm nộm, rau trộn salad. Nên ăn ít tinh bột.

Uống đủ từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Hạn chế ăn muối, chỉ dưới 6g/ngày, nếu có tăng huyết áp thì chỉ 2-4g/ngày.

Ngoài việc áp dụng một chế độ ăn phù hợp, nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30 phút/ngày với các loại hình như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp...

Cần đảm bảo ngủ đủ từ 7-8 giờ mỗi ngày. Nên ngủ sớm, hạn chế thức khuya. Ngoài ra, cần theo dõi cân nặng hàng tuần và khám sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần.