"Bẫy tín dụng" đưa nhóm yếu thế vào cảnh dễ vay - khó trả
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho rằng, thay vì hoạt động cục bộ dưới hình thức cầm cố, "bốc họ".. như trước, các nhóm cho vay giờ đây phát triển ngày càng nhanh, mạnh hơn trên không gian mạng. Điều này dẫn đến số lượng giao dịch vay, cho vay tăng mỗi ngày một cách khó kiểm soát.
Thời gian qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến động khách quan khiến nhiều người rơi vào tình trạng thu nhập sụt giảm, cần thêm các khoản vay để xoay sở cuộc sống. Do đó, các ứng dụng cho vay, hỗ trợ tài chính được tìm đến. Hoạt quảng cáo cũng trở nên rầm rộ trên các trang mạng xã hội, website với nội dung cho vay lãi suất thấp, không gặp mặt, thủ tục cho vay nhanh gọn, giải ngân từ 30 đến 60 phút và nhiều tiền lợi khác.. Với lời mời chào như vậy, không ít người nhẹ dạ đã lao vào do tin vào chính sách có phần dễ dãi mà không biết rằng mình đã rơi vào cái bẫy tài chính được giăng sẵn.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, các gói cho vay đơn giản này chủ yếu nhắm tới nhóm người yếu thế là sinh viên, công nhân và người lao động có thu nhập thấp, khó chứng minh thu nhập nhưng muốn giải quyết nhanh chóng.. Tới thời hạn nhưng chưa có khả năng thanh toán, nạn nhân sẽ chìm sâu vào vòng xoáy khi buộc phải vay mượn ở nhiều và thường xuyên hơn từ các app để xoay sở. Chưa kể, nếu không may vay tiền nhầm phải các nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động trái pháp luật, các chi phí lãi suất phát sinh sẽ "nhấn chìm" nạn nhân vào khủng hoảng nợ nần.
"Đây là nguyên nhân dẫn đến số vụ đòi nợ kiểu "đe dọa", "khủng bố", "xã hội đen" phát triển mạnh ở các khu công nghiệp, trường cao đẳng, đại học tại nhiều tỉnh thành, thành phố", Luật sư Diệp Năng Bình nhận định.
Vấn đề ở chỗ do đang bối rối vì áp lực tiền bạc, lại thiếu hiểu biết pháp luật, không có tiếng nói trong xã hội nên khi bị đe dọa, nhiều người tỏ ra hoang mang không lối thoát, cá biệt có trường hợp quẫn trí đã tìm đến biện pháp tiêu cực. Chưa kể, có rất nhiều người không vay nợ, không bảo lãnh cho người vay, nhưng vẫn bị gây áp lực bằng cách nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… gây áp lực để đòi nợ người vay dẫn đến an ninh–trật tự xã hội bị ảnh hưởng.
Thành miếng mồi cho hoạt động đòi nợ thuê tinh vi, phức tạp và dần chuyên nghiệp hóa
Mới đây, vụ án tại Công ty luật Pháp Việt (trụ sở tại TP.HCM), do một nhóm người dù không có các chứng chỉ, văn bằng chuyên ngành luật mà chỉ thuêmoojt người đứng tên đăng ký pháp lý để đòi nợ thuê. Theo cơ quan điều tra, băng nhóm này đã liên tục gọi điện thoại đe dọa, khủng bố đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen... của những người có liên quan đến bị hại với hành vi đe dọa giết vợ con, người thân. Bước đàu cơ quan điều tra cũng xác định có tới khoảng 3 triệu người ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước là nạn nhân của nhóm nghi phạm trong tổ chức tội phạm "núp bóng" Công ty luật Pháp Việt.
Là một nạn nhân do bị người vay tiền dùng số điện thoại làm căn cứ xác minh để vay tiền qua app. Sau đó bị nhóm đòi nợ thuê "khủng bố" qua điện thoại, cắt dán hình ảnh xúc phạm đăng tải lên các mạng xã hội, anh B.L.H (Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định những vụ đòi nợ thuê mang tính xã hội đen, đều khiến tinh thần người bị uy hiếp gặp nhiều di chứng, tâm lý bất an trong thời gian rất dài.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Khúc Thị Quyên, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, dịch vụ đòi nợ thuê trước đây là một trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, do có sự biến tướng quá nhiều nên khi Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thì ngành nghề này chính thức bị cấm đầu tư kinh doanh.
Về bản chất, các Công ty Luật chỉ có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ hoà giải, khởi kiện, yêu cầu thi hành án để giải quyết khoản nợ từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng dưới thức Hợp đồng dịch vụ pháp lý. Việc này được quy định cụ thể tại Điều 4, Điều 39 Luật luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012.
Còn theo Luật sư Diệp Năng Bình, trên thực tế các hình thức mua bán nợ diễn ra khá phổ biến trên thị trường tài chính-ngân hàng. "Tuy nhiên, trong bất kỳ hình thức nào, bên thu hồi nợ cũng đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời thực hiện các bước như đánh giá tính pháp lý của giấy vay, chứng từ giao nhận tiền, số tiền yêu cầu hoàn trả có đúng không, có hợp pháp không.. Và Tuyệt đối không có những hành vi đòi nợ trái pháp luật như đe dọa, "khủng bố" hoặc chiếm đoạt tài sản trái pháp luật…", Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định.
Đánh giá vụ việc tại Công ty luật Pháp Việt, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho rằng, việc nhóm đòi nợ thuê chọn hình thức "núp bóng" công ty luật để thực hiện các hành vi đòi nợ trái pháp luật cho thấy các tổ chức đòi nợ thuê đang dần trở nên tinh vi, phát triển một cách chuyên nghiệp và có hệ thống. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng triệt phá, tránh trường hợp các băng nhóm tiếp tục tìm cách lách luật rồi reo rắc thêm những vấn đề bất cập trong xã hội.
Người dân tự bảo vệ mình như thế nào?
Để người dân tự bảo vệ mình khi rơi vào tình huống bị khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội hoặc đe dọa, đập phá đồ đạc, gây thương tích, bắt cóc, giữ người trái pháp luật để đòi nợ.. Luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo nạn nhân ngay lập tức báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết. Khi gặp phải những tình huống trên, cần cung cấp cho cơ quan công an số điện thoại, nội dung tin nhắn, thu thập các tài liệu, chứng cứ về việc bị vu khống, bôi nhọ danh dự như các bài đăng và hình ảnh bôi nhọ danh dự, các bài đăng vu khống vay tiền, lừa đảo. Ghi âm những lời lẽ, cuộc gọi vu khống, đe dọa.
Mặt khác, Công an các quận huyện, cơ quan chuyên môn về quản lý không gian mạng cần tổ chức thực hiện theo dõi, nắm bắt tình hình kịp thời và phát hiện các website quảng cáo, các ứng dụng cho vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng, tập tring kiểm soát, phát hiện xử lý các cá nhân, tổ chức đăng tải các thông tin liên quan đến việc quảng cáo, hướng dẫn, mời gọi,….
Riêng đối với hoạt động vay mượn tiền trên không gian mạng thông qua app, website.. người dân cần tìm hiểu kỹ về khi có ý định vay. Tuyệt đối không vay tín dụng đen, cũng như thường xuyên nhắc nhở người thân, con em về việc này. Với nhóm sinh viên, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì nên liên hệ với ngân hàng chính sách xã hội để được vay với lãi suất hỗ trợ thay vì tham gia vào các tổ chức cho vay nặng lãi, "cắt cổ".
Bổ sung thêm xoay quanh vấn đề này, Luật sư Khúc Thị Quyên cho rằng bên cạnh việc khuyến cáo người dân tự bảo vệ mình, phía cơ quan nhà nước cũng cần có các biện pháp điều chỉnh, thay đổi liên quan đến thủ tục tố tụng, thi hành án nhanh gọn hơn để người dân tin tưởng và yên tâm thực hiện các biện pháp đòi nợ đúng quy định của pháp luật.
Người dân cũng cần biết năng lực trả nợ của mình, sử dụng khoản vay vào đúng mục đích và đảm bảo cho khoản vay được thanh toán hoặc đạt được thoả thuận với bên cho vay, hoặc khi nhận thấy bản thân bị đòi nợ sai quy định pháp luật như bị đe doạ có thể tố giác lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý.