Sáng 3/3, ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung Tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang – đơn vị trực tiếp quản lý Khu du lịch Núi Cấm cho biết: Sau khi trung tâm làm việc với báo chí thì Công ty cổ phần phát triển du lịch (CPPTDL) An Giang đã nộp hơn 5,2 tỷ đồng cho Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm.
Ông Hiếu cũng cho biết, số tiền còn lại Công ty CPPTDL An Giang xin chậm nộp đến hết quý II/2023. Tuy nhiên, đề xuất xin nợ của Công ty CPPTDL An Giang đã không được Trung tâm và các đơn vị liên quan chấp thuận, buộc công ty này phải nộp trả ngay vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
"Hiện Trung Tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã có công văn báo cáo UBND tỉnh để có cuộc họp về thu hồi số nợ nói trên"- ông Hiếu nói.
Trước đó, theo ông Hiếu, tính đến cuối quý III/2022, Công ty CPPTDL An Giang nợ số tiền thu phí hộ là 9.823.788.000 đồng. Trong đó, trước khi có Nghị quyết số 10/HĐND tỉnh, ngày 19/8/2021, Công ty CPPTDL An Giang phải nộp trả vào tài khoản của Ban quản lý Khu du lịch núi Cấm, tại kho bạc huyện Tịnh Biên, số tiền 5,256 tỷ đồng và sau Nghị quyết số 10, Công ty CPPTDL An Giang nộp vào ngân sách tỉnh, số tiền 4,558 tỷ đồng. Tính đến cuối quý IV/2022, số tiền đã lên hơn 10,2 tỷ đồng.
Như Dân Việt đã thông tin, được giao thu hộ phí tham quan Khu du lịch Núi Cấm và đối chiếu nộp trả vào ngân sách Nhà nước hàng quý theo quy định, nhưng Công ty CPPTDL An Giang lấy lý do khó khăn, suốt 3 năm qua chiếm dụng, không nộp trả tiền thu hộ vào ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ, cho rằng việc quản lý trái phép tài sản, đúng ra phải kịp thời phải nộp vào ngân sách Nhà nước đã diễn ra trong khoản thời gian dài với số tiền lớn, rõ ràng có lỗi từ đơn vị quản lý (Trung Tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang) và Công ty CPPTDL An Giang.
Theo luật sư Đức, trong trường hợp này cần phải xử lý đúng quy định pháp luật, nhằm tránh thất thoát lãng phí và ảnh hưởng uy tín địa phương.