Mở phiên giao dịch sáng nay (3/3), chỉ số VN-Index tăng nhẹ hơn 3 điểm với diễn biến chính vẫn là phân hóa.
Lúc 9h30, VN-Index đang tăng 2,18 điểm (0,21%) lên 1.039,79 điểm. HNX-Index tăng 1,12 điểm (0,54%) lên 207,26 điểm, UPCoM tăng 0,18 điểm (0,24%) lên 76,46 điểm.
Rổ VN30 thời điểm này đang có 16 cổ phiếu tăng giá, 11 cổ phiếu giảm giá và 3 mã đứng tham chiếu. Trong đó, đứng đầu tăng giá trong rổ VN30 là HPG (tăng 1,5%), GVR ( tăng 1,1%); TPB ( tăng 0,4%). Chiều ngược lại, 3 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất rổ là VCB ( giảm 1%;), BID (giảm 1,3%) và VJC (giảm 0,9%) .
Thời điểm 10h30, chỉ số chính sàn HoSE đang chạm xuống vùng giá đỏ. Cụ thể, VN-Index đang giảm nhẹ 2,65 điểm. Dòng tiền đang rất thận trọng khi thanh khoản thời điểm này mới chưa tới 2.000 tỷ đồng được "rót" vào thị trường.
Tuy nhiên, sắc xanh vẫn đang lan tỏa ở một số nhóm cổ phiếu ngành thép, dầu khí... Chẳng hạn, ở nhóm thép, NKG đang tăng 4,2%, HSG tăng 2,9%, SMC tăng 2,5%, HPG tăng 1,5%, TLH tăng 1,4%... Tương tự, cổ phiếu dầu khí cũng đang xanh hàng loạt, như: PVC tăng 3,1%, PVS tăng 1,9%, BSR tăng 1,9%,... Thậm chí, TDG còn tăng trần lên 3.990 đồng/CP.
Đà giảm điểm càng nới rộng đến gần cuối phiên sáng. Tính đến 11h00, VN-Index giảm 5,44 điểm (0,52%) về 1.032,17 điểm, VN30-Index giảm 4,94 điểm (0,48%) xuống 1.023,79 điểm.
Tạm đóng cửa phiên sáng nay (3/3), VN-Index giảm 8,02 điểm, về mốc 1.029,59 điểm (-0,77%); HNX-Index giảm 0,8 điểm về mốc 205,35 điểm (-0,39%); còn UPCoM-Index giảm 0,09 điểm, về 76,19 điểm (-0,12%).
Các mã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số VN-Index là VCB, BID, VHM, TCB,... Chiều ngược lại, ảnh hưởng tích cực đến chỉ số là các mã HPG, MSN, HVN, GVR,...
Thanh khoản toàn thị trường trong phiên sáng nay chỉ đạt hơn 3.294 điểm. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp, dòng tiền trên thị trường "mất hút".
Trước đó, trong phiên giao dịch hôm qua (2/3), khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 373 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 6.362 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3 (ngày 1/3).
Theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng 3 của Chứng khoán VNDirect, VN-Index đã giảm 7,8% trong tháng 2 để kết thúc tại 1.024,7 điểm.
VNDirect nhận định, sự điều chỉnh của thị trường có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau: (1) Dòng vốn vào ròng của khối ngoại suy giảm tính đến hết phiên 23/2; (2) Lo ngại gia tăng về việc Fed kéo dài đà tăng lãi suất sau khi lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 1; (3) Rủi ro vỡ nợ dần xuất hiện trong bối cảnh áp lực đáo hạn trái phiếu gia tăng.
Trong khi đó, HNX-Index giảm 9% trong tháng 2, trong khi UPCoM-Index tăng 0,8% so với đầu tháng.
Tuy nhiên, nếu kể từ đầu năm 2023 đến nay, VN-Index lại tăng 1,7%, UPCoM-Index tăng 6,7% trong khi HNX-Index giảm 1,4%.
Dù vậy, theo các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect, trong bối cảnh chưa có nhiều thông tin vĩ mô và chính sách hỗ trợ cùng những rủi ro bên ngoài gia tăng, VN-Index có thể chịu áp lực điều chỉnh trong tháng 3.
Cụ thể, vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là quanh vùng 1.000 điểm và vùng hỗ trợ mạnh là quanh 950 điểm.
Theo VNDirect, trước rủi ro điều chỉnh ngắn hạn, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro, chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy và cố phiếu.
Động lực tăng điểm bao gồm Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản (sửa đổi Nghị định 65, giãn nợ, gói tín dụng cho nhà ở xã hội, ...). Rủi ro giảm điểm bao gồm quan điểm "diều hâu " hơn của Fed về chính sách tiền tệ, thông tin liên quan đến vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp.