Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội (GDP).
Các công ty nghiên cứu thị trường cũng đánh giá thị trường bán lẻ tại Việt Nam là “miếng bánh” hấp dẫn. Trong khi các doanh nghiệp Việt có lợi thế ở phân khúc siêu thị thì trung tâm thương mại nghiêng về các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, nhiều “ông lớn” trong nước đang tăng tốc giành lại phân khúc này.
Sau khi mua lại chuỗi Emart của Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam, tỷ phú Trần Bá Dương đã nhanh chóng tuyên bố gia nhập mảng trung tâm thương mại. Ngoài siêu thị, tập đoàn THACO của ông Dương mở rộng kinh doanh trung tâm thương mại với thương hiệu Thiso Mall.
Trung tâm thương mại đầu tiên của THACO hiện nay là Thiso Mall Sala tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), gồm đại siêu thị Emart và các tiện ích về khu mua sắm, ăn uống tương tự các trung tâm thương mại hiện đại khác.
Thiso Mall Sala khai trương cuối năm ngoái. Hiện hàng loạt thương hiệu F&B lớn trong các chuỗi nhà hàng như Kichi Kichi, iSushi, King BBQ… hay cà phê như Katinat, Phúc Long, Highlands… đã có mặt tại đây. Nhiều thương hiệu thời trang quốc tế lớn đang tiếp tục đổ về và đang trong quá trình thi công.
Thiso Mall Sala có quy mô 33.000m2, cung cấp khoảng 200 gian hàng bán lẻ đáp ứng tiêu chuẩn thuê của các thương hiệu cao cấp trong và ngoài nước.
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương cho biết chiến lược mảng thương mại - dịch vụ của tập đoàn là vận hành các loại hình bất động sản theo mô hình “một điểm đến - nhiều tiện ích, dịch vụ”. Trước mắt, mục tiêu của THACO đến năm 2026 là mở rộng hệ thống lên 14 địa điểm trải dài từ Bắc đến Nam, trở thành tập đoàn thương mại - dịch vụ hàng đầu, mang đến trải nghiệm dịch vụ toàn diện cho khách hàng.
Đặc biệt, theo ghi nhận hiện nay, phong cách của Thiso Mall khá tương đồng với “ông lớn” Nhật Bản Aeon Mall. Chủ tịch Tập đoàn Aeon Motoya Okada từng cho biết họ dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. Với sức hút hiện nay của Thiso Mall, đây sẽ là đối thủ đáng gờm của Aeon tại thị trường Việt Nam.
Tại TP.HCM, những doanh nghiệp Việt tên tuổi trong phân khúc trung tâm thương mại hiện nay còn có Vincom, Saigon Co.op và gần đây là Vạn Hạnh Mall. Họ đang chắc chân với các trung tâm thương mại hiện hữu.
Từ đầu năm đến nay, trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall (quận 10, TP.HCM) rất nhộn nhịp. Con đường Sư Vạn Hạnh phía trước trung tâm thương mại thường xuyên đông nghịt.
Vạn Hạnh Mall là trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất quận 10, được đưa vào vận hành từ năm 2018. Tín hiệu tích cực của trung tâm thương mại này phải kể đến từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đổ về trung tâm thương mại này tăng đột biến. Sau dịch, nhiều thương hiệu thuộc các ngành hàng thời trang, F&B đều tăng tốc thuê mặt bằng tại trung tâm.
Một điểm đáng chú ý của Vạn Hạnh Mall so với các trung tâm thương mại khác là độ thân thiện với người Việt khi hàng loạt thương hiệu lớn của Việt Nam thuộc các ngành hàng từ bán lẻ, trang sức, thời trang như Co.opXtra, PNJ, Canifa… đều có mặt. Với khách hàng chuộng thương hiệu ngoại như những trung tâm thương mại khác, Vạn Hạnh Mall cũng không thiếu.
Khu vực nhà hàng - ẩm thực, cà phê… hầu như có đầy đủ các thương hiệu đang có mặt trên thị trường hiện nay, từ phân khúc bình dân đến trung - cao cấp. Rạp chiếu phim cũng là điểm thu hút khách đến Vạn Hạnh Mall, nhất là khách hàng trẻ. Trong khi nhiều khách hàng chuẩn bị ra về khi trung tâm thương mại sắp đóng cửa thì giới trẻ cũng nối đuôi vào xem suất chiếu phim khuya.
Lãnh đạo Vạn Hạnh Mall từng cho biết chiến lược của doanh nghiệp là phát triển Vạn Hạnh Mall trở thành một trung tâm thương mại hiện đại, trẻ trung và thân thiện, gồm đầy đủ các nhu cầu thời trang, mỹ phẩm, nội thất, đồ gia dụng đến ẩm thực, giáo dục và giải trí. Giới trẻ là khách hàng mà họ đặc biệt muốn hướng tới.
Vincom đang có 13 trung tâm thương mại ở TP.HCM. Trong khi Vincom Đồng Khởi, Vincom Landmark81 được xem là thiên đường mua sắm, ăn uống của nhiều người dân và du khách thì các trung tâm thương mại còn lại ở “vùng ngoài” đang phục vụ tốt nhu cầu của người dân địa phương xung quanh. Saigon Co.op từng bước tiến vào phân khúc này với trung tâm thương mại Sense City Phạm Văn Đồng, khá hút khách với mô hình “một điểm đến nhiều tiện ích” ở khu vực phía Đông.
Trong khi việc mua sắm tại cửa hàng truyền thống giảm, Deloitte Đông Nam Á cho biết các trung tâm thương mại “tất cả trong một” (all-in-one), không cần di chuyển đến nhiều nơi đang trở thành điểm đến đến thường xuyên của thế hệ khách hàng mới.
Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) đang chiếm hơn 40% tổng số người tiêu dùng toàn cầu. Với khả năng nắm bắt xu thế toàn cầu, thế hệ khách hàng mới này sẽ chi phối thị trường. Theo các chuyên gia, với khả năng hiểu người tiêu dùng Việt (như chiến thắng ở phân khúc siêu thị), các doanh nghiệp Việt vẫn có ưu thế trong cuộc chiến trung tâm thương mại nếu có tiềm lực tài chính và đầu tư bài bản.