Cần công bố công khai các dự án chậm trễ
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội TP đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 93.000 tỷ đồng, đạt 19,83% dự toán năm và tăng 5,95% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó là những khó khăn, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhưng so với cùng kỳ lại giảm. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 20,1% so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản gặp khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2022...
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cho rằng trong hai tháng đầu năm, có một số dấu hiệu phải nhìn nhận và đánh giá lại thật kỹ. Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn âm trong bối cảnh chỉ số này của cả nước cũng âm sâu – điều chưa từng có trong 20 năm qua. Mảng thương mại dịch vụ có tăng trưởng nhưng vẫn rất chậm vì tốc độ phục hồi du lịch và hoạt động vui chơi giải trí chưa như kỳ vọng, bất động sản giảm sâu 13%. Sản xuất khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng...
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ cũng nhìn nhận, tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động dự báo tiếp tục diễn ra. Mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo về người nghèo đô thị liên quan đến cắt giảm lao động diện rộng, gây sức ép cho lao động không chính thức tại TP.HCM. Điều này sẽ tạo gánh nặng cho an sinh và kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, các vấn đề về y tế như thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế ở các bệnh viện công sẽ tạo nên hệ luỵ rất lớn.
Nêu ý kiến tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho rằng vấn đề lớn đối với kinh tế Việt Nam là phải tạo đà phục hồi cho thị trường bất động sản, thị trường tài chính, tiền tệ. Chuyên gia này cho rằng cần ưu tiên thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, các ngành cần tập trung là thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng.
Trong tháng 2, lãnh đạo TP.HCM đã có những buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhưng theo TS Trần Du Lịch, các doanh nghiệp đang chờ những hành động cụ thể để chứng minh các cam kết tháo gỡ.
"Tôi đề nghị công bố tất cả dự án đang chậm trễ thủ tục, nguyên nhân cụ thể nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp, thể hiện kỷ luật công vụ. Với dư địa vốn có và sức sống mãnh liệt, tôi tin TP.HCM sẽ vượt qua những khó khăn trong năm nay", ông Trần Du Lịch chia sẻ.
"Tập trung cao độ" vào lĩnh vực bất động sản
Nêu các nhóm giải pháp trọng tâm tháng 3, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung giải quyết cơ bản các khó khăn mà doanh nghiệp đặt ra tại các buổi gặp gỡ. Trong tuần này, Văn phòng UBND TP.HCM tổng hợp các kiến nghị và yêu cầu từng sở, ngành tập trung xử lý, vấn đề nào cần thời gian dài thì lên lộ trình giải quyết.
Đối với nhóm vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cùng tổ công tác phải "tập trung cao độ" giải quyết bởi đây là lĩnh vực có tác động lan tỏa lớn. "Nếu cần, phải làm ngày làm đêm, bàn cho ra, tạo sự thống nhất. Như vậy mới có niềm tin, giải quyết trên thực tế và tạo chuyển biến tích cực", ông Mãi lưu ý.
Ngoài ra, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng yêu cầu tập trung giải pháp cụ thể phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược - cao su) và 9 ngành dịch vụ chủ yếu. Đồng thời, sớm công bố chiến lược phát triển du lịch, gặp gỡ các doanh nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.
Về nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, ông Phan Văn Mãi yêu cầu trong cơ chế phối hợp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đúng thời gian, rõ ý kiến, rõ quan điểm. Trên cơ sở đó, Văn phòng UBND TP.HCM trình Thường trực UBND TP.HCM giải quyết ngay chứ không gửi lại sở, ngành hoặc không đẩy qua đẩy lại.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh một điểm sáng khác là diễn biến tích cực trong đầu tư công, năm nay phân bổ vốn đầu tư công sớm hơn. Cuối tháng 3 này, dự kiến HĐND TP.HCM sẽ họp kỳ họp chuyên đề. "Tại kỳ họp HĐND này, kiên quyết phải điều chỉnh được nội dung đầu tư công và phân bổ hết vốn 26.000 tỷ của kế hoạch 2023, tập trung ở 8 dự án, trong đó có dự án đường Vành đai 3", ông Mãi nhấn mạnh.