Thời gian qua, sau khi di dời các tuyến xe từ Bến xe Miền Đông cũ ra Bến xe Miền Đông mới, tình trạng xe dù, bến cóc tại TP.HCM có diễn biến phức tạp. Nhiều nhà xe vẫn lập bến cóc gần Bến xe Miền Đông cũ để đón trả khách sai quy định dù đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt.
Bên cạnh đó, nhiều bến cóc tự phát đã mọc lên khi các nhà xe trả khách xung quanh Bến xe Miền Đông mới. Đơn cử như: khu vực Suối Tiên, Đền Hùng, Ngã tư Bình Phước, dọc các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Xa lộ Hà Nội...
Ông Nguyễn Văn Lành (người dân tại khu vực Suối Tiên) cho biết: "Thời gian gần đây, xe khách thường xuyên dừng xe bắt khách tại khu vực gần nhà tôi. Hành khách thì người đứng, người ngồi, mang hành lý, làm huyên náo cả khu vực, không khác bến xe thu nhỏ, ồn ào, mất trật tự".
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết các đội thanh tra giao thông túc trực ở những điểm nóng có khả năng phát sinh xe khách dừng đón, trả khách sai quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đơn vị phát hiện và lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm quanh khu vực bến xe Miền Đông cũ, bến xe Miền Đông mới trước khu du lịch Suối Tiên và dọc các tuyến quốc lộ... Thời gian tới, các đội thanh tra siết chặt hơn việc xử phạt qua camera.
Bên cạnh đó, từ ngày 10/1, TP.HCM đã chính thức cấm xe giường nằm chạy vào trung tâm thành phố từ 6h - 22h hàng ngày. Đây là biện pháp nhằm giảm nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông liên quan đến xe khách và hạn chế tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, từ sau khi lệnh cấm được triển khai, nạn xe dù, bến cóc tại các khu vực ven trung tâm có xu hướng gia tăng. Theo đó, các phương tiện vận tải chạy sai hành trình trong giờ cấm xe giường nằm đi từ Bến xe Miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga, Bến xe Miền Đông cũ đi vào quốc lộ 1, ngã tư Thủ Đức... để đón khách và di chuyển ngang qua Bến xe Miền Đông mới. Trong khi Bến xe Miền Đông mới thực hiện hành trình vào D400, Quốc lộ 1 và cao tốc để đi về địa phương.
Bên cạnh đó, hiện nay có tình trạng xe khách giường nằm đậu trên trục đường Xa lộ Hà Nội (đoạn từ trước nút giao Cát Lái), hoặc tại các bãi đậu xe nằm trên trục vành đai hạn chế, chờ đến 22 giờ để vào nội đô thành phố. Sau đó, các phương tiện này tiếp tục đón trả khách.
Trước tình trạng trên, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO, đơn vị quản lý Bến xe miền Đông mới) đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cấm "vĩnh viễn" tâm thành phố thay vì thời gian từ 6-22 giờ. Mục đích nhằm khai thác hiệu quả Bến xe Miền Đông mới, giảm tình trạng "xe dù bến cóc".
Bên cạnh đó, SAMCO đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP.HCM công bố lại hành trình chạy xe giữa các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố và hành trình của các tuyến đi ngang qua địa phận thành phố theo phương án phương tiện không dừng đón, trả khách dọc Xa lộ Hà Nội, nhất là xung quanh Bến xe Miền Đông mới.
Để tận dụng hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và giảm lượng phương tiện đi vào khu vực trung tâm, các tuyến vận tải khách liên tỉnh sẽ không đi sâu vào nội đô thành phố. Vì thế, sẽ không bố trí hành trình xuyên tâm thành phố cụ thể như đường Hồ Học Lãm, Võ Văn Kiệt. Bên cạnh đó, cần kết nối đến các đường vành đai, hạn chế các phương tiện liên tỉnh tận dụng hoạt động tại các bãi giữ xe để tổ chức đón, trả khách mà không vào bến xe khách liên tỉnh.
Ngoài ra, thành phố cần nghiên cứu triển khai mở rộng cấm xe trên 16 chỗ vào nội thành, trừ các xe buýt, xe phục vụ nhu cầu riêng như xe đưa rước học sinh, sinh viên, công nhân, xe công vụ, xe phục vụ khách đoàn tham quan, du lịch theo chương trình, xe phục vụ đám tang, đám cưới...
Ngoài ra, SAMCO đề nghị Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, khảo sát và lắp đặt camera trước Bến xe Miền Đông mới, khu du lịch Suối Tiên để thực hiện xử lý vi phạm (phạt nguội) theo quy định.