Dân Việt

Chuyển dịch năng lượng sạch - xu hướng chung trong tiến trình phát triển năng lượng bền vững

Thanh Tùng 06/03/2023 21:09 GMT+7
Ngày 06/03, tại tòa nhà Quốc hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Hiệu quả của các mô hình tái tạo năng lượng và việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam… cùng nhiều đại biểu của các cơ quan chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước lĩnh vực năng lượng.

Chuyển dịch năng lượng sạch - xu hướng chung trong tiến trình phát triển năng lượng bền vững - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo “Hiệu quả của các mô hình tái tạo năng lượng và việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu báo cáo tại hội nghị, ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết: "Việt Nam là một nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng cao, vì thế, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Tương ứng với sự phát triển của nền kinh tế (tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2001-2010 là 7,26%/năm, 2011-2015 tăng 5,91%/năm, 2016-2020 tăng 5,99%/năm), nhu cầu năng lượng cũng tăng mạnh: giai đoạn 2001-2010 tăng khoảng 10%/năm, 2011-2015: tăng 11%/năm và 2016-2020 tăng khoảng 10-11%.

Do sự phát triển nhanh kèm theo sử dụng một lượng lớn năng lượng, vì thế phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng lượng phát thải của Việt Nam năm 2010 và dự ước sẽ chiếm khoảng 73% và 80% vào năm 2030 và 2045 tương ứng.

Chuyển dịch năng lượng sạch - xu hướng chung trong tiến trình phát triển năng lượng bền vững - Ảnh 2.

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chia sẻ các vấn đề năng lượng sạch tại Việt Nam.

Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trong đó đáng lưu ý là ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.

Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon (Net-zero) vào năm 2050".

Cũng theo chia sẻ của ông Phan Xuân Dũng , trong thời gian qua, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Đảng, Nhà nước, các cơ quan có liên quan và doanh nghiệp nước ta cũng phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt

động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

"Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với tư cách là một một tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, trong thời gian qua đã tham gia tư vấn, góp ý, cung cấp tư liệu cho nhiều hoạt động giám sát chuyên đề hoặc xây dựng luật, pháp lệnh của các ủy ban của Quốc hội.

Với tinh thần đó, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tiếp tục phối hợp với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp". Hy vọng rằng, với những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những tư liệu quý báu để kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng Việt Nam bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội đất nước".

Chia sẻ trước hội nghị về xu hướng chuyển dịch năng lượng và đầu tư phát triển năng lượng sạch, TSKH. Mai Duy Thiện - Chủ Tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA) cho biết: "Chuyển dịch năng lượng mà trong đó các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu hướng chủ yếu và mạnh mẽ trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung của các quốc gia hiện nay, đặc biệt là trong 5 năm gần đây.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây vào thời điểm Thỏa thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015. Theo đó tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch trung bình trong 5 năm sau thỏa thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Năm 2020, tỉ lệ đã tăng lên 12%, năm 2022 đầu tư cho năng lượng sạch dự kiến đạt 1400 tỷ USD chiếm gần 60% tổng đầu tư cho toàn ngành năng lượng. 

Tổng đầu tư toàn cầu cho chuyển đổi năng lượng tăng từ 250 tỷ USD năm 2010 lên 500 tỷ USD năm 2020 và đặc biệt là tới 755 tỷ USD (gấp hơn 3 lần 2010) vào năm 2021. Trong đó, năm 2021 đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và điện mặt trời) đã thu hút được 366 tỷ USD cho dự án mới (chiếm khoảng 70% tổng đầu tư các dự án nguồn điện mới), nửa đầu năm 2022 đã có 226 tỷ USD đầu tư cho NLTT. Dự báo của IEA, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới. Ước tính, công suất điện gió và điện mặt trời sẽ vượt công suất của điện khí vào năm 2023 và nhiệt điện than vào năm 2024

Như vậy chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT) đã là xu hướng chủ đạo trong phát triển năng lượng, phát triển nguồn điện và là tất yếu trong phát triển bền vững, phát triển xanh trên thế giới".

Theo PGS. TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam: "Quy hoạch phát triển Năng lượng cũng như quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác, là bài toán kinh tế với hàm mục là chi phí tối thiểu hoặc lợi nhuận tối đa của toàn hệ thống. Ở đây chi phí tối thiểu của toàn hệ thống là giá điện đến hộ tiêu thụ cuối cùng.

Để đạt hàm mục tiêu, những thành phần quy hoạch nào làm tăng chi phí sẽ bị loại ra khỏi quy hoạch. Vì vậy bài toán quy hoạch nào cũng có điều kiện ràng buộc để sao cho những thành phần nào làm tăng chi phí sẽ không hoàn toàn bị loại khỏi quy hoạch.

Các điều kiện ràng buộc thường là các yếu tố cần được bảo đảm do khả năng cung cấp các nguồn năng lượng sơ cấp, yêu cầu về an ninh cung cấp năng lượng, yêu cầu về bảo vệ môi trường, điều kiện địa chất thủy văn và năng đáp ứng về vốn đầu tư…

Xác định được đúng đắn các điều kiện ràng buộc thường thì coi như bài toán QHNL đã hoàn thành được một nửa khối lượng. Đây là một công việc rất khó của những người làm quy hoạch nhưng là việc cần thiết phải làm.

Cần cơ cấu nguồn và các điều kiện thực hiện cơ cấu nguồn, các yêu cầu khác, từ đó xác định ra ứng với mỗi kịch bản. Từ đó xác định ra lộ trình tăng giá điện trong phạm vi tính toán của Quy hoạch. Đây là công việc rất khó, phức tạp, có thể chưa thực hiện được đầy đủ khi xây dựng ngay nhưng cần thiết phải tiến tới để thực hiện được trong tương lai".

Chuyển dịch năng lượng sạch - xu hướng chung trong tiến trình phát triển năng lượng bền vững - Ảnh 3.

Các đại biểu lắng nghe, đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu, nhà quản lý và đại diện các cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và tái tạo năng lượng bao gồm: Điện, than, dầu khí và các dạng năng lượng khác… đã cùng nhau bàn bạc, trao đổi thẳng thắn. Từ đó xác định quy hoạch phát triển năng lượng là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. 

Thông qua hội nghị lần này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã thống nhất cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong việc cùng nhau điều tra, tính toán, lập cân bằng cung cầu với từng dạng năng lượng để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.