Người dân bức xúc vì tiến độ "rùa"
Dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông (phường An Đông, TP.Huế) được khởi công vào tháng 8/2017. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, mức đầu tư ban đầu 32 tỷ đồng.
Công trình được xây dựng nhằm kết nối tuyến đường 26m khu nhà ở An Đông sang đường 100m thuộc khu A- Đô thị mới An Vân Dương, TP.Huế.
Sau nhiều năm dự án thi công dang dở, chậm tiến độ, vào tháng 9/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định số 2496/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được tăng thêm 68 tỷ đồng, từ 32 tỷ đồng lên hơn 100 tỷ đồng. Việc tăng vốn đầu tư dự án lên gấp 3 lần nhằm mở rộng quy mô công trình, làm đường dẫn đấu nối cầu cũng như để giải phóng mặt bằng.
Sau 2,5 năm kể từ khi được tăng vốn đầu tư lên gấp 3 lần, công trình vẫn đang trong cảnh dang dở, chậm tiến độ. Đến nay, đã gần 6 năm tính từ ngày khởi công, công trình vẫn là một khối bê tông khổng lồ nham nhở mắc kẹt giữa sông Lợi Nông.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, trong sáng 6/3, mặc dù điều kiện thời tiết thuận lợi nhưng tại công trình này chỉ có vài ba người đang xử lý hệ thống đường cáp viễn thông. Người dân sống xung quanh công trình cho biết, trong thời gian dài công trình chỉ được thi công cầm chừng, nhiều thời điểm công trình không một bóng người lui tới.
"Không thể tưởng tượng được một công trình không quá lớn nhưng thi công đến gần 6 năm vẫn chưa thành hình hài. Việc dự án ì ạch không chỉ gây lãng phí ngân sách mà còn khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị ảnh hưởng, nhất là tình trạng bụi bặm vào mùa nắng nóng. Cần xử lý trách nhiệm những đơn vị, cá nhân liên quan trước việc dự án chậm tiến độ", một người dân sống gần công trình bức xúc.
Nhà thầu ngừng tham gia dự án
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông gồm có 2 gói thầu xây lắp. Gói thầu số 09 xây lắp hạng mục cầu, hệ thống giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh và bảo đảm giao thông đường thủy.
Gói thầu này do liên danh Công ty Cổ phần Cầu 1 Thăng Long và Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên Huế thi công. Giá trị hợp đồng gói thầu này là hơn 22 tỷ đồng.
Hiện nhà thầu đã thi công hoàn thành phần cầu theo quy mô đầu tư phê duyệt tại Quyết định số 2564/QĐ-UBND ngày 26/10/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và san gạt phần diện tích được giải phóng mặt bằng, chưa triển khai thi công các hạng mục còn lại. Khối lượng thực hiện đến nay của gói thầu khoảng hơn 16,3 tỷ đồng, đạt 71,5% giá trị hợp đồng. Giá trị khối lượng đã thực hiện trên công trường đều đã được thanh toán. Gói thầu này đã tạm dừng thi công từ ngày 26/12/2018.
Gói thầu xây lắp số 16 của dự án là phần xây lắp phần mở rộng cầu hoàn chỉnh theo quy hoạch do một nhà thầu khác thực hiện có giá trị hợp đồng hơn 33,6 tỷ đồng. Gói thầu được khởi công từ ngày 20/12/2021.
Hiện nay gói thầu đã hoàn thành phần kết cấu chính phần mở rộng phải tuyến, đang chuẩn bị triển khai thi công phần mở rộng mặt cầu phải tuyến và đắp đất sau mố. Khối lượng thực hiện gói thầu mới chỉ đạt 70% giá trị hợp đồng.
Giá trị khối lượng đã thực hiện toàn bộ dự án đến nay khoảng 61,5 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đã bố trí đến nay 77,9 tỷ đồng, lũy kế giá trị giải ngân vốn đến nay là 65,9 tỷ đồng.
Vào ngày 8/11/2022, Công ty Cổ phần Cầu 1 Thăng Long đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế về việc chấm dứt hợp đồng gói thầu số 09. Theo Công ty Cổ phần Cầu 1 Thăng Long, do công trình ngừng thi công trong thời gian dài nên giá vật liệu, nhiên liệu, máy và nhân công tăng cao so với thời điểm dự thầu.
Nếu không được điều chỉnh giá để bù đắp thiệt hại do trượt giá trong thời gian chờ bàn giao mặt bằng thì nhà thầu không thể triển khai thi công các hạng mục còn lại của công trình, do không đủ kinh phí bù lỗ. Việc không thể giải phóng được mặt bằng cho các hạng mục còn lại của công trình là yếu tố khách quan, không do lỗi của nhà thầu.
Để tháo gỡ vướng mắc về việc bù giá và mặt bằng thi công, Công ty Cổ phần Cầu 1 Thăng Long đại diện cho liên danh nhà thầu đã có 2 công văn gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị được điều chỉnh giá và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công nhưng đề nghị này không được giải quyết.
Trên cơ sở đó, liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Cầu 1 Thăng Long - Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên Huế xin chấm dứt hợp đồng thi công và tất toán thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng do ngân hàng phát hành.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Quang Ngọc - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông vẫn đang vướng mắc ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong đó, đoạn ở phía đường Tôn Quang Phiệt vẫn còn 3 vị trí công trình nhà dân, nhà thờ họ tộc chưa thể giải phóng mặt bằng do người dân chưa thống nhất với phương án bồi thường. Ngoài ra, có khoảng 11 hộ dân ở mép đường Tôn Quang Phiệt và đường dẫn lên cầu bị giải phóng mặt bằng một phần vẫn chưa nhận tiền bồi thường.
Ông Đặng Quang Ngọc cho rằng, vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng đã khiến việc thi công của nhà thầu bị trở ngại, dẫn tới dự án chậm tiến độ. Trong đó, liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu xây lắp số 09 đã phải ngừng thi công, xin chấp dứt hợp đồng vì vướng mắc mặt bằng kéo dài.
Việc nhà thầu này xin chấm dứt hợp đồng đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh xin ý kiến của UBND tỉnh, nếu tỉnh đồng ý thì Ban sẽ tổ chức đấu thầu lại.
"Muốn đấu thầu lại thì mặt bằng phải giải phóng xong để thi công, chứ vướng mặt bằng lại vẫn khó khăn. Quan điểm là phải có sự nỗ lực giữa các bên, mặc dù Ban đã nỗ lực thúc đẩy thi công nhưng do không có mặt bằng nên dự án vẫn kéo dài", ông Đặng Quang Ngọc nói.
Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế cho biết, dự án chậm tiến độ không phải do vấn đề giải phóng mặt bằng như thông tin lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh đưa ra. Theo ông Chánh, hiện khu vực dự án chỉ còn 2 vị trí chưa thực hiện được việc giải phóng mặt bằng và thành phố đang tiến hành giải quyết.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế khẳng định, dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông chậm tiến độ là do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh chứ không phải do khâu giải phóng mặt bằng, bởi từ trước đến nay mặt bằng phục vụ cho các nhà thầu thi công dự án vẫn được đảm bảo.