Dân Việt

Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành: Nghịch lý nhiều nơi thiếu mặn, thừa ngọt (Bài 2)

Huỳnh Xây 14/03/2023 08:07 GMT+7
Một nhiệm vụ quan trọng của dự án thủy lợi cống Cái Lớn- Cái Bé là kiểm soát mặn- ngọt, nhưng sau hơn 1 năm vận hành đã xảy ra nghịch lý, có nhiều nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước mặn để nuôi thủy sản, trong khi lại thừa nước ngọt, dẫn tới tình trạng ngọt hóa ở nhiều nơi đáng lẽ... cần mặn.

Mâu thuẫn nhu cầu mặn - ngọt ở một số địa phương

Tại Bạc Liêu, từ mùa khô năm 2021 đến nay, công tác điều tiết nước mặn phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có gặp khó khăn mới phát sinh. Cụ thể, theo Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, việc vận hành đóng mở các cửa cống Cái Lớn - Cái Bé tạm thời trong thời gian qua (chỉ đóng tối đa 9/11 cửa cống, riêng tháng 2 năm 2023 chỉ đóng 7/11 cửa cống), chưa cắt được các đợt triều cường biển Tây về địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành: Mâu thuẫn nhu cầu mặn-ngọt một số nơi (Bài 2) - Ảnh 1.

Trong 1 năm vận hành thử nghiệm cống Cái Lớn - Cái Bé (siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam), đã xảy ra tình trạng mâu thuẫn nhu cầu mặn - ngọt ở một số địa phương vùng ĐBSCL. Trong ảnh, vùng hưởng lợi từ hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh chụp từ bản đồ cailoncaibe.thuyloivietnam.vn

Do đó, các đợt triều cường biển Tây vẫn tác động vào khu vực phía Bắc huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) theo xu hướng mất đỉnh triều mặn, tăng đỉnh triều ngọt. Quá trình trên kết hợp với nguồn nước ngọt chảy về từ sông Hậu làm cho khu vực Bắc Hồng Dân (khoảng 5.000ha) đang diễn biến theo hướng ngọt hóa dần, gây khó khăn cho nuôi trồng thủy sản.

Mặc dù tỉnh Bạc Liêu đã mở hết công suất hệ thống cống dọc Quốc lộ 1A (các cống thuộc vùng mặn) để điều tiết nước mặn triều biển Đông vào phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất thuộc vùng Bắc Quốc Lộ 1A, nhưng độ mặn ở khu vực phía Bắc huyện Hồng Dân vẫn chưa được đảm bảo.

Do đó, trong mùa khô năm nay, trên địa bàn phía Bắc huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu có khoảng 1.500ha nuôi trồng thủy sản không thể thả giống nuôi tôm đúng dự kiến do chưa đáp ứng được độ mặn. Như vậy, khu vực giáp nước giữa chế độ triều biển Đông và chế độ triều biển Tây trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

Trước bối cảnh hệ thống siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam làm hạn chế nguồn nước mặn do triều biển Tây đưa về cho các tiểu vùng vẫn còn nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng dự án của các tỉnh như đã nêu trên và để tìm cách bổ sung thêm nguồn nước mặn cho khu vực, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét, tính toán thêm phương án giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam trực tiếp quản lý vận hành cống Cà Mau nằm cuối trục kênh Quản Lộ Phụng Hiệp (thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau) để trực tiếp điều tiết thêm lượng nước mặn từ Cà Mau về các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang qua trục kênh Quản Lộ Phụng Hiệp.

Liên quan đến vấn đề trên, tại hội thảo "Đánh giá kết quả vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé" được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang vào ngày 2/3 vừa qua, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam cho hay, phía công ty đã đi làm việc với các địa phương và nhận thấy cũng có xảy ra tình trạng mâu thuẫn nhu cầu mặn - ngọt liên quan đến hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, các địa phương xảy ra tình trạng mâu thuẫn nhu cầu mặn - ngọt liên quan đến cống Cái Lớn - Cái Bé gồm huyện Long Mỹ (Hậu Giang), huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) và huyện Gò Quao (Kiên Giang). Cụ thể là huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) và huyện Gò Quao (Kiên Giang) cần nước mặn nhưng huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cần nước ngọt". Vì vậy, trong thời gian tới, ông Anh cho rằng, các bên cần sự phối hợp điều tiết nước chặt chẽ hơn.

Điều tiết nước khó khăn ở một số nơi do thiếu công trình kiểm soát

Theo ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, trên tuyến đê biển An Biên – An Minh và dọc theo sông Cái Lớn, sông Cái Bé (từ cống Cái Lớn, Cái Bé ra đến cửa biển) nằm trong vùng dự án có tổng cộng 43 cửa sông, kênh, rạch thông ra biển.

Công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam sau 1 năm vận hành: Gia tăng tình trạng ngập lụt vùng hạ lưu (Bài 2) - Ảnh 2.

Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa chủ động phân ranh giữa các tiểu vùng sinh thái (mặn-lợ). Ảnh: Huỳnh Xây

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác 11 cống, đồng thời có 18 cống đang xây dựng và 14 cống thông ra biển chưa có công trình kiểm soát mặn. Trong đó huyện An Biên 12 cống, huyện An Minh 1 cống và huyện Châu Thành 1 cống. Vì vậy, công tác vận hành, điều tiết nguồn nước trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ.

Ngoài ra, vùng thượng lưu cống Cái Lớn - Cái Bé, hệ thống thủy lợi nội đồng, nhất là hệ thống công trình phân ranh giữa các tiểu vùng sinh thái (mặn-lợ, ngọt - lợ luân phiên, ngọt) chưa đồng bộ, khép kín nên còn khó khăn cho công tác kiểm soát nguồn nước.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi miền Nam Nguyễn Việt Anh cũng cho biết, ở vùng hạ lưu cống Cái Lớn - Cái Bé (từ cống ra cửa biển Tây - PV), bờ bao chưa đảm bảo kỹ thuật nên thường xuyên bị nước tràn qua khi triều cường, thêm vào đó là một số công trình kiểm soát mặn chưa được đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, do hệ thống công trình trên tuyến đê biển Tây tỉnh Kiên Giang, Cà Mau chưa đồng bộ, khép kín, chưa có công trình kiểm soát mặn từ biển Đông qua sông Ông Đốc nên việc kiểm soát mặn trong các mùa khô thời gian qua chưa được chủ động.

Về phía Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cũng cho hay, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa chủ động phân ranh giữa các tiểu vùng sinh thái (mặn-lợ), chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống đê ngăn mặn khép kín. Ngoài ra, vùng giáp nước khoảng 45.000 ha của tỉnh này còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt.