Một ngày trung tuần tháng 3/2023, chung tối có dịp ghé thăm gia đình anh Đạo Văn Hạ ở thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận). Thời điểm này, gia đình anh Hạ đang tất bật với công việc trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón tết Ramưwan truyền thống của dân tộc Chăm theo đạo Bà ni.
Nhìn cuộc sống gia đình anh hiện nay, ít ai biết được trước đây gia đình anh thuộc diện khó khăn nhất nhì ở làng Chăm Lương Tri.
Anh Hạ cho biết, trước đây gia đình anh gặp rủi ro kinh tế nên lâm cảnh khó khăn. Vợ chồng anh chỉ có căn nhà nhỏ và mảnh đất làm ruộng. Kinh tế khó khăn nên ngoài trồng lúa, vợ chồng anh Hạ phải đi làm thuê, làm mướn thêm để kiếm sống.
Đến năm 2005, thông qua tổ vay vốn của Hội nông dân xã Nhơn Sơn, vợ chồng anh được tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Ninh Sơn. Nhờ đó anh được ngân hàng cho vay lần lượt 5 triệu đồng (2005) và 10 triệu đồng (2010).
Với số vốn này, gia đình anh mua được 2 con bê giống để bắt đầu "sự nghiệp" trồng cỏ nuôi bò sinh sản. Từ 2 con bê con ban đầu, đến vài năm sau đàn bò của gia đình anh đã có gần chục con.
"Nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò phát triển khỏe mạnh, sinh sản đều đặn. Bò đực thì gia đình tôi nuôi vỗ béo để bán thịt. Còn bò cái thì tiếp tục nuôi sinh sản để phát triển đàn bò về sau...", anh Hạ cho hay.
Có được thu nhập từ việc bán bò, vợ chồng nông dân Đạo Văn Hạ có thêm điều kiện để nuôi 2 con lớn ăn học nên người. Đồng thời, đón thêm 2 thành viên mới trong gia đình và sau đó thì thoát cảnh hộ nghèo ở địa phương.
Clip: Bà con nông dân người Chăm ở Ninh Thuận thoát nghèo nhờ vốn vay Ngân hàng chính sách. (T/h: Đức Cường)
Để hiện thực hóa giấc mơ mở rộng sản xuất kết hợp trồng cỏ và chăn nuôi bò, sau khi trả hết nợ, đến năm 2019 anh Hạ tiếp tục vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Ninh Sơn để mở rộng việc trồng cỏ chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Đàn bò của gia đình anh không ngừng phát triển về số lượng, có lúc lên đến 22 con.
Từ việc sản xuất lúa và trồng cỏ nuôi bò có hiệu quả, gia đình anh đã có thêm điều kiện xây dựng nhà mới khang trang. Hai con lớn của gia đình anh đã tự tin bước tiếp vào giảng đường Đại học. Bản thân anh cũng là nông dân sản xuất giỏi ở địa phương, được người dân tín nhiệm bầu làm Chi Hội trưởng nông dân thôn Lương Tri.
"Nhờ vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng CSXH mà những nông dân nghèo như tôi mới có điều kiện vươn lên. Hiện nay, nguồn thu nhập của gia đình tôi từ nuôi bò bán thịt và sản xuất lúa khoảng 120 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập này, hàng năm gia đình tôi sống tốt và yên tâm sản xuất...", anh Hạ tự tin chia sẻ.
Tượng tự gia đình Hạ, gia đình chị Hứa Thị Hoa Tuyền cũng chồng là Đạo Văn Nguyên ở thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) cũng vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay từ Ngân hàng CSXH.
Thông qua tổ vay vốn của Hội Nông dân xã, gia đình chị Tuyền được vay vốn Ngân hàng CSXH để chăn nuôi dê. Chị Tuyền cho biết, từ 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Ninh Sơn chị đã đầu tư nuôi 3 cặp dê giống để nuôi sinh sản kết hợp bán thịt.
Được đà tiếp sức từ ngân hàng CSXH, năm 2021 gia đình chị tiếp tục vay vốn phát triển chăn nuôi với số tiền 100 triệu đồng. Từ đó có thêm điều kiện để đầu tư trồng 3.000 mét vuông cỏ để nuôi dê theo hình thức cuốn chiếu và kết hợp trồng táo và lúa.
Từ thu nhập trong sản xuất cộng với số dê thịt và dê sinh sản bán theo định kỳ, đời sống kinh tế gia đình chị Tuyền ngày càng khấm khá. Số dê nuôi hiện nay đã lên trên 100 con. Đến nay gia đình chị Tuyền đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu nhờ chăn nuôi dê và sản xuất nông nghiệp.
"Dịp đầu tháng tôi vừa xuất bán 60 con dê thịt để thu về gần 240 triệu đồng. Có được như ngày hôm nay cũng nhờ Hội Nông dân giúp đỡ và Ngân hàng CSXH tiếp sức cho gia đình tôi vượt qua lúc khó khăn...", chị Tuyền chia sẻ.
Bà Thành Thị Nhiệm, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Nhơn Sơn cho biết, người Chăm ở thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy việc giúp nông dân địa phương kịp thời tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH là điều hết sức cần thiết.
Từ chỗ chưa mạnh dạn, lo ngại với việc vay vốn sản xuất thì nay hội viên nông dân đã chủ động tìm đến Ngân hàng CSXH để tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế.
"Hội Nông dân luôn chú trọng công tác bình xét cho vay và vận động hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhờ đó ngày càng có nhiều hộ đã vươn lên thoát được nghèo khó. Tính đến nay, toàn xã Nhơn Sơn đã có 593 hội viên nông dân vay vốn từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 24 tỷ đồng. Hộ nào cũng sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả...", bà Nhiệm thông tin.
Theo ông Phạm Văn Trường, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ninh Sơn, đến nay phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đang thực hiện cho vay ưu đãi với 17 chương trình tín dụng với tổng số 11.807 khách hàng còn dư nợ/ 16.091 món vay thông qua các hội đoàn thể nhận ủy thác.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ninh Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện giải ngân hơn 190 tỷ đồng cho hơn 5.400 khách hàng vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tính riêng địa phương xã Nhơn Sơn, hiện nay có 45 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 4 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và đoàn thanh niên với tổng dư nợ cho vay đến tháng 2/2023 là gần 85 tỷ đồng.
"Song song với việc triển khai cho vay đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng, ngân hàng CSXH huyện cùng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách theo định kỳ và đột xuất. Đảm bảo đồng vốn đã và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả. Góp phần vào thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở địa phương...",ông Trường cho hay.
Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Ninh Sơn đã hỗ trợ hơn 32.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi; hơn 10.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho hơn 4.300 lao động; hơn 19.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đến trường; hỗ trợ vay vốn xây dựng 2.460 căn nhà cho hộ nghèo, gần 16.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...