Huyện Ba Bể Ba, tỉnh Bắc Kạn là địa phương được đánh giá có nguồn vật liệu xây dựng phong phú, đặc biệt là cát sỏi tại sông Năng. Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện Ba Bể có 2 doanh nghiệp được cấp mỏ gồm HTX sông Năng và Doanh nghiệp tư nhân Hà Giang.
Vậy nhưng hiện chỉ có mỏ cát của HTX sông Năng đang hoạt động và cũng chỉ đạt khoảng ½ công suất. Riêng mỏ cát sỏi Pác Châm, đoạn qua xã Bành Trạch của Doanh nghiệp tư nhân Hà Giang (tiểu khu 3, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã dừng hoạt động gần 3 năm nay.
Mỏ cát Pác Châm được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép khai thác với diện tích gần 5ha, theo đúng quy trình cấp phép mỏ. Năm 2020, ngay sau khi doanh nghiệp được cấp phép khai thác, đơn vị này đã chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí môi trường và thi công khai thác theo đúng phương án được cấp. Tuy nhiên, gần 3 năm nay mỏ cát Pác Châm không thể hoạt động do vấp phải sự phản đối của một số hộ dân trong xã.
Để giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, ngày 24/2/2022, Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Thông báo số 36 về việc xem xét, giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc khai thác tại mỏ cát Pác Châm. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Ba Bể, xã Bành Trạch, Sở Tài Nguyên và Môi trường hỗ trợ, tuyên truyền, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đồng thời giám sát việc khai thác cát sỏi ở mỏ cát Pác Châm được thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế và giấy phép được cấp.
Vậy nhưng đến nay, việc khai thác cát sỏi ở mỏ Pác Châm của Doanh nghiệp tư nhân Hà Giang vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Trong khi doanh nghiệp được cấp mỏ phải tạm dừng hoạt động, tình trạng khai thác trái phép cát tại khu vực mỏ Pác Châm của một số người dân địa phương lại vẫn diễn ra một cách khá công khai.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Công Thắng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hà Giang cho biết, việc không thể khai thác mỏ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu giải quyết việc làm cho người lao động. Ông Thắng mong muốn những vướng mắc này sẽ được các cơ quan chức năng tập trung giải quyết để sớm ổn định tình hình.
Trong một diễn biến khác, chia sẻ với PV Dân Việt, ông Ma Văn Vẹ, Trưởng thôn Pác Châm (xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) lại thông tin, UBND xã làm biên bản cấp mỏ cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng không thông qua dân nên người dân phản ứng và quyết giữ đất.
“Việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát tại mỏ Pác Châm ảnh hưởng đến đất nông nghiệp của người dân. Bà con ở đây không có ruộng, không có đồi, chủ yếu dựa vào soi bãi để phát triển kinh tế. Năm 2022, đất nông nghiệp của người dân ở bên bờ sông Năng tại thôn Pác Châm bị sạt lở rất nhiều. Người dân mong muốn cơ quan chức năng đóng cửa hẳn mỏ cát này, đợi đất bồi lắng để trồng ngô"- ông Vẹ thông tin thêm.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc sạt lở đất nông nghiệp tại khu vực gần mỏ cát sỏi Pác Châm, PV Dân Việt cũng đã tìm gặp một số cơ quan chức năng của tỉnh và có được thông tin, sau khi xảy ra sạt lở đất nông nghiệp ở bờ sông, tháng 2/2022, ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì dẫn đầu đoàn kiểm tra thực địa.
Sau đó, đoàn kiểm tra đã ban hành Thông báo số 36 ngày 24/2/2022, trong đó nêu rõ: Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường khu vực mỏ cát, sỏi Pác Châm và khu vực giáp ranh, tại thời điểm kiểm tra, Doanh nghiệp tư nhân Hà Giang chưa hề tiến hành khai thác cát, sỏi.
"Hiện tượng sạt lở bờ sông Năng khu vực thôn Pác Châm trước đây không phải do hoạt động khai thác cát, sỏi của Doanh nghiệp tư nhân Hà Giang gây ra" - Thông báo 36 nêu rõ.
Liên quan đến việc doanh nghiệp bị cản trở khai thác mỏ, ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Bành Trạch cho biết, UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con thực hiện đúng chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
"UBND xã Bành Trạch đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện Ba Bể tổ chức đối thoại với người dân tại địa phương. Chúng tôi rất mong mỏi doanh nghiệp và bà con sớm tìm được tiếng nói chung và sự đồng thuận, tránh xảy ra mâu thuẫn không đáng có", ông Hoan cho biết thêm.
Việc mỏ Pác Châm không thể khai thác dẫn đến các đơn vị thi công những công trình như cầu Cốc Phát và cải tạo tỉnh lộ 258 cũng gặp khó do khan hiếm vật liệu xây dựng, dù các công trình này thi công gần 2 mỏ cát được cấp phép.
Ông Nguyễn Văn Chắn, Công ty CP tư vấn xây dựng và phát triển Phương Bắc cho biết, trên địa bàn huyện Ba Bể có rất nhiều đơn vị đang thi công các công trình… tuy nhiên các loại vật liệu như cát, đá, sỏi ở đây lại rất khan hiếm.
"Giá nhiên liệu tăng, cước phí vận tải cũng theo đó mà tăng lên khiến nhà thầu phải chịu chi phí nhiều hơn. Trên địa bàn huyện Ba Bể lại chỉ có một mỏ cát duy nhất nên ảnh hưởng đến các đơn vị thi công. Chúng tôi rất mong có nhiều mỏ hơn nữa, đảm bảo việc cung ứng vật liệu xây dựng cũng như giá cả để chúng tôi có thể hoàn thành đúng tiến độ"- ông Chắn bộc bạch.
Huyện Ba Bể đang khan hiếm vật liệu xây dựng, việc mỏ cát Pác Châm hoạt động trở lại sẽ giải quyết được phần nào khó khăn của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn.