Tháng 11/2022, Trần Việt Trinh (28 tuổi, Hà Nội) lần đầu bước lên sân khấu của Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Hải Phòng, môn thể hình, hạng cân 52 kg. Gương mặt điển trai, cơ bắp cuồn cuộn của nam vận động viên nhanh chóng "gây bão" mạng xã hội.
Ánh đèn sân khấu gây chói mắt, Trinh tập trung nhìn xuống ban giám khảo, phô diễn trọn vẹn nét đẹp cơ bắp trên cơ thể. Từ phía xa, mẹ và chị gái của anh, cũng chăm chú dõi theo.
"Dù không giành chiến thắng, nhưng giây phút bước ra ánh sáng, tôi đã rất xúc động. Tôi muốn tự tin nói với mọi người, rằng mình là một người chuyển giới và nghị lực của chúng tôi không hề tầm thường", Trinh nói.
(Khoảnh khắc Trần Việt Trinh trên sân khấu của Đại hội Thể dục Thể thao).
Trần Việt Trinh có giới tính sinh học là nữ, nhưng mang tính cách, ngoại hình của một người con trai. Từ bé, anh thích chơi những trò thể thao như đá bóng, cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ mỗi khi gần các bạn nữ, nhưng lại thoải mái trêu đùa với nam giới.
Trinh bắt đầu lên Internet tìm hiểu, nhưng xã hội thời đó chưa có khái niệm về người chuyển giới. Cộng đồng LGBT thường bị cho là "giới tính không bình thường", "bệnh tật", hoặc "theo phong trào".
Càng lớn, mong muốn được làm con trai trong anh càng mãnh liệt, bộc lộ rõ nét tính cách nam, thay đổi cách ăn mặc, cắt tóc ngắn.
Năm 2011, trong một lần cố tình say rượu, Trinh come - out (công khai xu hướng tính dục) với gia đình. Anh uống đến mức nằm lăn lóc giữa đường, được mẹ và người hàng xóm dìu về nhà.
Trong cơn say nửa tỉnh nửa mơ, anh nói với mẹ: "Con thực sự thích con gái". Mẹ không đáp lời.
Hôm sau, khi Trinh đã tỉnh táo, mẹ gặp anh nói chuyện một lần nữa. Anh khẳng định thích con gái, mong được gia đình chấp nhận giới tính thật.
"Mẹ sinh con ra, cũng là người hiểu con nhất mà", Trinh tha thiết, nhưng gia đình chỉ nghĩ con gái bị bệnh, nên bắt đi khám, "để sau này còn đi lấy chồng".
Trinh im lặng.
Năm 2015, anh giấu gia đình, tìm kiếm từ Nam ra Bắc, lùng sục khắp Hà Nội, để mua hormone. Lần đầu tiên cầm chiếc kim dài, đâm sâu vào đùi bắp chân phải, anh đã đắn đo hơn 30 phút.
"Đây là mũi tiêm sẽ thay đổi cuộc đời mình. Tôi dám đánh đổi để được sống thật", anh nhớ lại.
5 - 6 mũi tiêm hormone tiếp theo, sau những cơn sốt, Trinh cảm nhận sự thay đổi của cơ thể, như: hạ tông giọng, mọc râu, phát triển cơ bắp,…
Để mẹ không nhận ra sự khác biệt, anh ra ngoài thuê trọ cách nhà 7km. Nhưng mẹ cũng dần phát hiện ra, cảnh báo: "Phải suy nghĩ chín chắn, vì khi đã tiêm hormone, thay đổi hệ thống nội tiết tố thì nếu muốn quay lại làm con gái cũng không thể được nữa".
Trinh khẳng định: "Con đã lớn, tự chịu trách nhiệm với chính mình".
Năm 2019, anh quyết định phẫu thuật cắt bỏ ngực tại một bệnh viện ở Hà Nội. Anh đã suy nghĩ rất nhiều, trước khi liên hệ với bác sĩ và nộp viện phí, muốn làm ngay để tránh bị nỗi sợ xâm chiếm.
Đêm trước khi lên bàn mổ, anh trằn trọc nhiều, nhưng kiên định với giấc mơ của mình. Bởi 24 năm qua, anh đã sống khổ sở trong hình hài nữ giới, cũng không muốn sử dụng nịt ngực gây khó thở và tổn hại sức khỏe.
"Tôi quyết định nhắm mắt bước lên bàn phẫu thuật. Nếu may mắn, đôi mắt có thể mở ra, tiếp tục nhìn ngắm cuộc đời. Còn nếu không, tôi cũng chấp nhận buông xuôi", Trinh nói.
Ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng. Hết thuốc mê, giây phút mở nhẹ đôi mắt, cúi xuống nhìn không còn ngực, Trinh xúc động biết mình đã sống.
Tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, anh thấy mẹ và chị gái bên cạnh. Người mẹ rơm rớm nước mắt, vừa tức vừa thương, trách con "không nói một câu nào". Sau một ngày hồi sức, anh được xuất viện về nhà.
"Nếu không được phẫu thuật, tôi thật sự không muốn sống nữa", nam vận động viên tâm sự.
Năm 2018, Trinh tập gym nghiêm túc và trở thành một vận động viên thể hình. Gia đình không ủng hộ, cho rằng công việc này vừa vất vả lại không kiếm ra tiền. Như lần trước, anh không giải thích nhiều, âm thầm theo đuổi đam mê, chờ ngày thành công sẽ được gia đình công nhận.
Trinh chăm chỉ luyện tập với chế độ nghiêm ngặt. Do khung xương và thể lực của phụ nữ yếu ớt, anh phải nỗ lực gấp nhiều lần so với nam giới. Những ngày bận rộn đến khuya, anh vẫn cố dành một tiếng để tập luyện, khát khao thay đổi bản thân từng ngày.
"Tôi chia sẻ thành quả của mình lên Facebook cá nhân để động viên các bạn trong cộng đồng, và cũng là cách chứng minh với mọi người, tuy chúng tôi khác biệt nhưng ý chí kinh khủng lắm", Trinh nói.
Nam vận động viên đã khổ luyện trong nhiều năm và đầu tư vào chế độ dinh dưỡng để có được thể hình như hiện tại. Mỗi tuần, anh tập luyện 5 - 6 buổi, mỗi buổi kéo dài từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi. Những ngày sát thi đấu, cường độ tập luyện tăng cao, nâng tạ không khác gì bốc vác.
Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng bị siết theo lượng đạm, tinh bột. Giai đoạn kinh khủng nhất là khi bị cắt nước, nhưng vẫn phải ăn đồ khô khiến Trinh bị tắc cổ, hóc thức ăn. Còn bao nhiêu nước bọt trong miệng, anh cố gắng nuốt xuống, thèm lắm một ngụm nước nhưng không thể.
"Môn thể hình cần sự kiên trì, đều đặn và nhất là lì lợm", anh chia sẻ. Cách đây hai năm, cơ thể phát triển mạnh hơn, cơ bắp vạm vỡ, giọng trầm hẳn, đúng như Trinh kỳ vọng.
(Chế độ dinh dưỡng hàng ngày của Trinh)
Ngoài công việc là một vận động viên chuyên nghiệp, anh còn nhận dạy thể hình, bán các loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ tăng cơ bắp.
Anh còn tham gia một nhóm hơn 15.000 thành viên, nơi những người thuộc cộng đồng LGBT chia sẻ về giới tính, tình cảm, gia đình và cả những khó khăn.
Nhiều lúc áp lực và tủi thân, Trinh từng muốn tự tử, nhưng nghĩ đến những người theo dõi mình, lấy mình làm động lực, anh lại dập tắt suy nghĩ tiêu cực đó.
Trong gia đình, Trinh không bắt ép mọi người phải gọi mình theo đúng giới tính thật, nhưng mỗi lần nghe người khác gọi "con này, con kia", anh lại buồn.
Có những ngày, anh vừa ngồi ăn cơm vừa khóc, cảm thấy quá mệt mỏi, tự hỏi bản thân: "Tại sao mình phải khổ như thế này?". Cũng nhiều đêm, anh khóc một mình, nghĩ "Sống thế này vất vả quá", không dám đọc bình luận trên mạng xã hội vì sợ bị tổn thương.
Anh biết, bản thân sinh ra trong hình hài này, không phải lỗi của mẹ, cũng không phải lỗi của anh, mà có thể do không đúng thời điểm.
"Không đúng thời điểm, thì tôi sẽ sửa và thay đổi", anh khẳng định.
Cách đây hai năm, gia đình thay đổi cách xưng hô, dặn những đứa trẻ gọi Trinh là "cậu". Đó là khi anh biết mọi người đã chấp nhận mình như một người đàn ông thực thụ. Mẹ còn dặn sau này sẽ hỗ trợ anh lấy vợ, sinh con, miễn anh được hạnh phúc.
"Ngày xưa tôi từng nói với mẹ: Chắc chắn một ngày nào đó, con sẽ trở nên nổi tiếng trong cộng đồng của mình, cho mọi người thấy chúng con nghị lực ra sao. Và bây giờ, tôi đã làm được điều đó", anh tự hào.
Nam vận động viên từng có mối tình 7 năm, nhưng đã chia tay do gia đình bạn gái ngăn cấm. Sau thời gian đau khổ, một cô gái cùng tuổi đã đến bên cạnh quan tâm, bù đắp yêu thương cho anh.
Khi bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc, anh luôn thẳng thắn với đối phương rằng mình là người chuyển giới. Anh cũng không giấu diếm chuyện này với gia đình người yêu, vì sợ nếu che giấu, người đau khổ cuối cùng là anh.
Trinh sống và làm việc ở Hà Nội, còn bạn gái ở Sài Gòn, họ chọn cách yêu xa, cố gắng giữ liên lạc hàng ngày như nhắn tin, gọi điện. Anh đã hai lần vào Sài Gòn thăm và ra mắt gia đình người yêu, được bố mẹ cô gái cho phép tìm hiểu nhau.
Chính tình yêu này đã phần nào giúp Trinh tự tin hơn trên con đường đã chọn. Anh hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục phẫu thuật để hoàn thiện bản thân, khích lệ mọi người trong cộng đồng lạc quan, kiên trì và nỗ lực chứng minh bản thân để thay đổi định kiến xã hội.