Dân Việt

Học kỳ làm nông thúc đẩy du lịch nông nghiệp

Thiên Long 10/03/2023 10:00 GMT+7
Trong chuyến kiểm tra, khảo sát thực tế một số mô hình tiêu biểu về nông thôn mới (NTM) và phát triển sản phẩm OCOP tại tỉnh Long An mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã đề nghị tỉnh Long An xây dựng chương trình “học kỳ làm nông” để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp.

Khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ

Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại vườn chanh không hạt xuất khẩu của ông Nguyễn Hải Dương (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức), dây chuyền sản xuất và chế biến chanh của Công ty CP Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) và kiểm tra xã NTM Thạnh Hòa, huyện Bến Lức.

Theo ông Lê Văn Nam - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Bến Lức, huyện đang có khoảng 6.800ha trồng chanh. Vựa chanh lớn nhất tỉnh này có khoảng 85% diện tích trồng chanh xuất khẩu. 

Trước đây, nông dân ở vùng đất nhiễm phèn nặng của huyện Bến Lức phải gắn chặt sản xuất của mình với cây mía, bất chấp giá cả bấp bênh, hay sâu bệnh đe dọa… chỉ vì không có cây trồng nào thay thế. Tuy nhiên bây giờ, cả một vùng trồng chanh rộng lớn được mở ra ngay trên mảnh đất "nắng thì khô hạn, mưa thì dậy phèn", cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cây mía.

Ông Lê Văn Nam chia sẻ thêm, giai đoạn 2021-2025, cây chanh đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nông dân Bến Lức, bởi huyện đang có nhiều dự án đầu tư khá quy mô như đề án vùng chanh nguyên liệu được Bộ NNPTNT phê duyệt đầu tư hạ tầng kỹ thuật và Chính phủ Hà Lan hỗ trợ dự án nông nghiệp phát triển chanh bền vững cho địa bàn huyện Bến Lức.

Học kỳ làm nông thúc đẩy du lịch nông nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm cơ sở chế biến chanh tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ảnh: S.N.N

Về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh Long An hiện có 77 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có 26 sản phẩm đạt 4 sao và 51 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc các nhóm ngành thực phẩm, thảo dược, lưu niệm, nội thất…

Vì vậy, huyện Bến Lức tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 1.200ha chanh đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong năm 2020, tập trung sản xuất và mục tiêu đến năm 2025 đạt thêm 1.500ha chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Các bước sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái cũng được thực hiện quyết liệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An -Nguyễn Văn Út cho biết, thời gian qua, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Do đó, tỉnh rất quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đúng thực chất, không chỉ đơn thuần là phấn đấu đạt thêm một vài tiêu chí so với xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện để du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Văn Út kiến nghị Bộ NNPTNT quan tâm đầu tư, nâng cấp cống Rạch Chanh và cống Bắc Đông trên tuyến Quốc lộ 62 để tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương.

Xây dựng chương trình đột phá, chuyển đổi tư duy sản xuất

Học kỳ làm nông thúc đẩy du lịch nông nghiệp - Ảnh 3.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT khảo sát thực tế tại vườn chanh không hạt xuất khẩu của ông Nguyễn Hải Dương ở xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: T.L

Theo tìm hiểu của phóng viên, tỉnh Long An có đôi dòng sông Vàm Cỏ là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng phục vụ du lịch. Toàn tỉnh hiện có 122 di tích lịch sử, nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng, lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc; nông nghiệp phát triển với nhiều loại hình sản xuất đặc trưng; có cảnh quan và sự đa dạng sinh học với thảm thực vật và hệ động vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười... 

Đây chính là điều kiện quan trọng để tỉnh phát triển du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch nông thôn tại Long An hiện nay tập trung vào các loại hình tham quan làng nghề, chợ truyền thống, đặc trưng văn hóa, sản vật du lịch miền sông nước, du lịch lễ hội nông thôn, khám phá vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, trải nghiệm cuộc sống, thử làm nông dân… 

Nhìn chung, đa phần sản phẩm du lịch nông thôn phát triển dựa theo nhu cầu và yêu cầu của du khách, chưa chủ động xây dựng sản phẩm, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn chuyên nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan yêu cầu tỉnh Long An nhanh chóng có những chương trình, đường lối đột phá để chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. 

Đồng thời, ông Hoan nhấn mạnh, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là xu thế mới, Long An nên mạnh dạn đi trước, đón đầu xu thế này. Ngành chức năng luôn khuyến khích du lịch nông nghiệp tỉnh Long An xây dựng chương trình "Học kỳ làm nông" để vừa tạo không gian vui chơi, trải nghiệm, vừa xây dựng, vun đắp tình yêu nông nghiệp cho các thế hệ học sinh.

Theo báo cáo của Long An, đến nay, toàn tỉnh Long An có 118/161 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là huyện Châu Thành, Tân Trụ, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.