Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Thái Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo với các vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh, có khả năng cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến.
Năm 2022, Thái Bình tiếp tục là địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực Đồng bằng sông Hồng với diện tích khoảng 155.000ha/năm, sản lượng thóc đạt khoảng 1,0 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 40% sản lượng tiêu thụ tại tỉnh, 60% bán trong nước và xuất khẩu.
Nhiều năm trở lại đây, Thái Bình đạt năng suất lúa đều trên 130 tạ/ha/năm, đây là năng suất cao so với mức trung bình cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở xay xát chế biến lúa gạo, trong đó có 20 công ty, 4 HTX có quy mô vừa và lớn, áp dụng dây chuyền hiện đại, tự động hóa trong xay xát; 170 cơ sở sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình. Tổng công suất chế biến trên 200.000 tấn/năm.
Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 nhãn hiệu và đang tập trung triển khai xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình.
Tại Hội nghị phát triển thị trường lúa, gạo tỉnh Thái Bình năm 2023 do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, ông Trần Huy Quân - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết, những năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến của các tỉnh bạn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, triển khai các chương trình mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó có ngành hàng lúa gạo.
Theo chia sẻ của đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc tiêu thụ và phát triển thương hiệu lúa gạo của tỉnh Thái Bình trên thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đúng với năng lực sản xuất của địa phương. Lý do hiện nay là người nông dân vẫn canh tác và bán hàng tự phát, sản phẩm không bao bì, nhãn mác hoặc đóng gói theo tên riêng của đơn vị, chất lượng sản phẩm chưa được giám sát, quản lý. Người tiêu dùng khó nhận biết sản phẩm, quảng bá sản phẩm đặc trưng cho vùng sản xuất bị hạn chế.
Ông Trần Mạnh Báo - CEO ThaiBinh Seed nêu ra “để có thể phát triển được thị trường lúa gạo Thái Bình, cần có sự đổi mới; cần thực hiện chuỗi các hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ và cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước và các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp và các hộ sản xuất".
Theo đó, đứng từ quan điểm của một doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo cũng đề nghị phía UBND tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân tham gia vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; mở rộng thị trường phân phối hiện đại, tích cực đưa sản phẩm nông sản Thái Bình kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu gạo Thái Bình tăng cường kết nối giao thương, hướng đến xuất khẩu.”
Đặc biệt ông Trần Mạnh Báo chia sẻ, để gạo Thái Bình được đi xa hơn, mạnh hơn việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Thái Bình là vô cùng quan trọng.
Với kinh nghiệm nhiều năm, ông cho rằng việc doanh nghiệp Thái Bình tạo ra giống lúa tốt, sản phẩm gạo tốt nhưng tới nay chưa xây dựng được thương hiệu gạo của Thái Bình là điều thiếu sót.
Các doanh nghiệp phải cùng các cơ quan địa phương vào cuộc khẩn trương để triển khai, phát triển thương hiệu gạo riêng của Thái Bình mạnh hơn nữa.