Theo báo cáo mới nhất, HSBC cho rằng Việt Nam đã tìm thấy “những cơ hội xuất hiện trong nghịch cảnh”. Đơn vị này cho biết dữ liệu thương mại trong tháng 2 của Việt Nam tốt hơn so với kỳ vọng. Đáng chú ý, chỉ số PMI sản xuất lần đầu tiên quay trở lại vùng mở rộng trong vòng bốn tháng trở lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC cho rằng số liệu trong 2 tháng đầu năm không phải là “một bức tranh hoàn toàn tươi sáng”. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ vậy, đơn vị này còn nhận định Việt Nam đang ở thế chịu ảnh hưởng khi tình hình kinh tế Mỹ suy yếu. Tuy nhiên, đối với mảng điện thoại và linh kiện liên quan, tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm tới nay đã tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo HSBC, nhập khẩu từ đầu năm đến nay đã giảm với tốc độ nhanh hơn so với xuất khẩu, ở mức 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần đưa giá trị thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng điện tử đã tiếp tục giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, báo cáo từ cơ quan này cho biết doanh số bán lẻ tại Việt Nam vẫn ghi nhận đà tăng trưởng vững vàng. Chỉ tính riêng trong tháng 2, Việt Nam đón khoảng 933.000 lượt khách nước ngoài. Đây là mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch Covid-19 tới nay. Trong đó, khách du lịch Trung Quốc tăng lên đáng kể, đạt 55.000 lượt.
Ngoài ra, đơn vị này cho rằng Việt Nam vẫn cần giữ thái độ thận trọng khi lạm phát trong tháng 2 vẫn tăng tới 0,4% so với tháng trước.
“Giá tài nguyên, khoáng sản toàn cầu đã giảm so với mức đỉnh năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát năng lượng vẫn tiếp tục tăng”, các chuyên gia từ HSBC cho biết.
Đơn vị này nhận định giá dầu trong nước tiếp tục tăng cao khiến chi phí vận chuyển trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó, giá nhà và vật liệu xây dựng cũng ở mức cao khi giá điện và khí đốt tăng giá.
HSBC kết luận rằng dữ liệu tháng 2 tại Việt Nam tốt hơn kỳ vọng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các thách thức sẽ biến mất.
“Những khó khăn bên ngoài có thể sẽ tiếp tục trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc ngành du lịch đang phục hồi có thể phần nào bù đắp cho một số trở ngại. Ngoài ra, lạm phát cần được chú ý nhiều hơn vì áp lực giá cả vẫn sẽ tiếp tục tăng”, các chuyên gia từ HSBC bình luận.