Dân Việt

Cán bộ nữ trong Bộ Chính trị có 1, Ban Bí thư có 2 và 19 Ủy viên Trung ương

PV 11/03/2023 16:58 GMT+7
Theo số liệu thống kê, cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 Ủy viên Trung ương là nữ (đạt 9,5%), trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị (bà Trương Thị Mai), 2 Ủy viên Ban Bí thư (bà Trương Thị Mai và Bùi Thị Minh Hoài -Trưởng Ban Dân vận Trung ương).

Ngày 11/3, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức toạ đàm "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới", Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì toạ đàm.

Theo số liệu thống kê cho thấy, tính đến 1/4/2021, dân số nữ của Việt Nam là 49.543.571 người (chiếm 50,4% tổng dân số), tỷ số giới tính 98,4 nam/100 nữ.

Cán bộ nữ trong Bộ Chính trị có 1, Ban Bí thư có 2 và 19 Ủy viên Trung ương - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại toạ đàm. Ảnh TTXVN

Về số liệu cán bộ nữ trong hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII có 19 Uỷ viên Trung ương là nữ (đạt 9,5%), trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 2 Ủy viên Ban Bí thư. Khóa XII là 20/200, trong đó 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư; khóa XI là 17/200, trong đó 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư.

Có 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, cao nhất là Tuyên Quang (29,2%), thấp nhất là Quảng Bình (6,1%). Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, có 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy, đến thời điểm hiện nay có 6 nữ Bí thư tỉnh uỷ (3 trường hợp nữ Bí thư Tỉnh uỷ chuyển sang công tác khác là bà Võ Thị Ánh Xuân làm Phó Chủ tịch nước; bà Lâm Phương Thanh làm Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Bộ Y tế).

Việt Nam có 151 nữ đại biểu Quốc hội (30,26%). Tính đến 02/2023, Việt Nam xếp hạng thứ 64/193 quốc gia, cao hơn 10 bậc so với thời điểm tháng 12/2020 (74/193 quốc gia). Hiện Việt Nam có tỷ lệ 03/22 nữ bộ trưởng (13,64%).

Trong các văn kiện của Đảng cũng như quy định của nhà nước, công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ ngũ nói riêng luôn được quan tâm. Nhiều văn bản đã đưa ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa thực tế với mục tiêu đề ra. Thống kê cho thấy, số công chức, viên chức nữ trong hệ thống chính trị (tính đến ngày 31/12/2021) là 1.325.316 người. Số công chức nữ là 107.324 người, chiếm 43,32% tổng số công chức; số viên chức nữ là 1.217.992 người, chiếm tỷ lệ 68,06% tổng số viên chức.

Hiện nay trong số 22 bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn 11 bộ, cơ quan ngang bộ (50%) và 6/8 cơ quan thuộc Chính phủ (75%) không có nữ lãnh đạo chủ chốt. 12/63 tỉnh, thành phố (19,1%) không có nữ ở bất cứ vị trí lãnh đạo chủ chốt nào của cấp tỉnh, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung.

Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) có 3/63 tỉnh, thành phố (4,76%) không có nữ đại biểu (Tây Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế); Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) có 2/63 tỉnh, thành phố (3,2%) không có nữ đại biểu (Hải Phòng và Cà Mau)...