Cây choại hay rau rớn đều là họ hàng dương xỉ, vì thế đọt non thường nhơn nhớt, ẩm ướt. Dịp hè đọt choại khó kiếm, thường chỉ xuất hiện và đặc biệt ngon sau những cơn mưa giông.
Đọt choại màu tía bắt mắt, giòn ngon
Làng tôi đất cát pha, nắng hè bỏng rát. Thế mà ở vùng đất lõm thấp, cạnh những đường bờ khe chạy khắp làng, đọt choại vẫn mạnh mẽ vươn mình.
Thu hái chẳng mấy khó khăn vì đọt choại mập ú, lá choại non lại có màu tía hút mắt, nổi bật rất dễ thấy. Tuy vậy, vì mọc ở vùng ẩm thấp nên rắn rết cũng nhiều. Mải mê hái đọt choại cũng phải thủ thế, để tránh những chú rắn ẩn mình bị đánh động có thể lao ra bất cứ lúc nào.
Người ta thường ngắt đọt choại vào sáng sớm, vì qua một đêm mưa ẩm, đọt non hấp thu tinh khí đất trời, căng non, óng ả và mát rười rượi. Đây cũng là thời điểm đọt choại ngon nhất chứ không héo rủ như lúc chiều tà.
Đọt choại giòn tươi, vì thế rất phù hợp để xóc tỏi. Hái một nắm đọt choại, rửa sạch, thêm chút dầu lạc, phi tỏi, chút ném, nước mắm ruốc, mùi thơm ngào ngạt bốc lên thơm nức mũi. Nhanh tay đảo, thêm chút mì chính, thế là ta có ngay đĩa đọt choại xanh mướt, giòn sừng sực, mát lành hết sẩy.
So với rau rớn, đọt choại ít nhớt hơn, vì thế các mẹ, các chị còn dùng để nấu canh rau tập tàng. Có nhiều nhặn chi, chỉ cần mớ rau má ven ruộng, nhúm càng cua bên hè nhà, cọng mồng tơi góc hàng rào, vài đọt khoai lang, thêm xíu tôm đất tươi roi rói, thế là đã đủ vị cho nồi canh rau xanh um, nước trong veo, ngọt mát.
Cái hay của đọt choại là mọc ở đồng bằng, nhưng hương đất, hương rừng bạt ngàn thoang thoảng. Ở Nam bộ, đọt choại là đặc sản dùng để nhúng lẩu, chấm mắm, xào tép…, là những món ăn dân dã miệt vườn.
Nhưng ở làng tôi, đọt choại xóc tỏi hay vò chung với nắm rau quanh nhà để nấu canh vẫn là lựa chọn số một. Có lẽ vì đọt choại ít hao, mùi vị lại đậm đà, lành hiền. Vì thế những trưa hè nóng bức, húp bát canh đọt choại, tiện đũa gắp nhúm đọt choại xóc tỏi thơm lừng là thấy ngay cái mát lành của rau rớn, đánh tan cái mệt mỏi cùng những giọt mồ hôi.
Thi thoảng vào những dịp bon bon trên đường, tôi thường thấy những bó đọt choại đung đưa theo nhịp gánh của các bà, các mẹ. Có đi hái mới hiểu các bà, các mẹ phải dậy từ khi gà chưa gáy, và đối mặt với bao khó khăn để có những bó đọt choại thật tươi ngon, dày dặn.
Chẳng ai ngờ giữa lõm đất ẩm thấp, cây bụi mọc chằng chịt lại có thức rau ngon đến thế. Có lẽ vị ngon của nó còn đến từ sự chắt chiu, tảo tần, phơi mình giữa nắng, chịu dầm những cơn mưa?