Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có mặt tại Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng, lên đến 35 – 40%. Hiện tại, có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này và con số này dự đoán sẽ càng tăng chóng mặt trong thời gian sắp tới.
Thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam thì trong 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng cần thêm khoảng 18.000 lao động, chưa tính các doanh nghiệp hoạt động khác ngành.
Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), giai đoạn 2016-2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao; đến năm 2025, con số này ước đạt 300.000 nhân viên chuyên nghiệp.
Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm dành cho những người theo học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là rất lớn.
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Cụ thể là chuỗi các hoạt động bao gồm lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, kiểm soát nguồn nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng giúp người học đưa ra những chiến lược thích hợp nhằm phân phối sản phẩm đến tất cả các khách hàng trong nước và trên thế giới một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Theo học ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống kho bãi và điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển; kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính – kế toán trong vận tải đa phương thức.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị “hành trang” kỹ năng chuyên môn quan trọng như kỹ năng tính toán, kỹ năng phân tích thị trường và xây dựng chiến lược, kỹ năng sử dụng tiếng Anh và công nghệ thông tin… cùng các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm…
Xét trên góc độ thị trường, logistics là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, hoạt động logistics giúp hàng hóa đến được tay người tiêu dùng và đảm bảo kịp thời nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Khi nền kinh tế quốc gia hội nhập càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, logistics sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc vô vàn cơ hội việc làm sẽ mở ra với các bạn sinh viên.
Sinh viên tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có thể làm việc tại các vị trí: Chuyên viên quản trị kinh doanh dịch vụ vận tải, kinh doanh xuất nhập khẩu, chăm sóc khách hàng trong các công ty dịch vụ logistics.
Chuyên viên điều phối dịch vụ logistics, điều phối đơn hàng, phương tiện vận chuyển, quản lý kho bãi, quản lý vận chuyển, giám sát đối tác cung cấp dịch vụ logistics trong các công ty sản xuất, kinh doanh.
Làm chủ các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics.
Hiện nay, có nhiều trường mở ngành đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, sau thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, năm 2023, ngành học logistics (bậc đại học) chính thức được vận hành tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.
Để tạo điều kiện cho sinh viên có nơi thực hành, cơ hội việc làm, mới đây, Trường Đại học Lâm nghiệp, Tập đoàn LEC GROUP và một số đối tác khác đã cùng hợp tác hỗ trợ sinh viên về học bổng, tổ chức đào tạo, bố trí việc làm cho sinh viên trước và sau khi tốt nghiệp.
Được biết, LEC GROUP là tập đoàn với hệ thống logistics trải dài trên khắp đất nước Việt Nam và là đơn vị hàng đầu về dịch vụ kho bãi tại Việt Nam cho hàng rời (hàng xá).
Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với tập đoàn để nghiên cứu, xây dựng hệ thống rừng mẫu, các mô hình lâm nghiệp tăng trưởng xanh, mô hình rừng theo tiêu chuẩn FSC, thiết lập các khu sản xuất giống cây nông lâm nghiệp.