Khi chúng tôi đến trang trại ở vùng chuyển đổi dưới chân đê sông Kinh Thầy, anh Doanh đang hí húi trên bờ ao cắt cỏ cho 2 con nghé ăn.
Xung quanh trang trại của anh Doanh toàn ao. Trước cửa nhà là ao rộng 1 mẫu, sau nhà 1 ao rộng 2,5 mẫu, bên cánh phải nhà là 1 ao rộng 5 sào.
Trò chuyện với anh Doanh, được biết, hiện 3 ao này, vợ chồng anh dành 1 ao rộng 1 mẫu trước cửa, quây lại một khoảng để nuôi ốc bố mẹ sinh sản, diện tích còn lại để nuôi ốc con, một ao 5 sào được vợ chồng anh nuôi bèo tấm, 1 ao sau nhà rộng 2,5 mẫu năm nay sẽ được anh Doanh đưa vào nuôi ốc.
Vợ chồng anh Doanh ra vùng chuyển đổi này đã được 25 năm. Đó là năm 1998, sau khi lập gia đình, anh cùng vợ ra khu chuyển đổi bên ngoài làng để làm kinh tế. Với diện tích rộng 5 mẫu, vợ chồng anh cấy lúa. Do giá trị kinh tế thu từ cây lúa thấp nên mặc dù cấy 5 mẫu lúa nhưng sau khi trừ chi phí lãi chẳng đáng kể, kinh tế gia đình không được cải thiện.
Lúc đó, anh Doanh nghĩ, nếu cứ cấy lúa mãi cũng không thể khấm khá được. Năm 2000, sau hai năm ra vùng chuyển đổi, anh mạnh dạn vay vốn được 50 triệu đồng quyết tâm bỏ cấy lúa để đầu tư đào 3 ao nuôi thủy sản. Số tiền còn lại mua cá giống truyền thống như chép, trắm, rô phi về nuôi.
Chi phí dành cho nuôi cá khá cao, tiền để mua cá giống, mua cám thức ăn cho cá, thuốc men để chữa bệnh cho cá, trong khi đó cá truyền thống lại giá trị không cao. Vì vậy, những năm đầu khi bỏ lúa nuôi cá, nguồn thu từ cá được 50 triệu đồng, trừ chi phí chỉ lãi được 25 – 30 triệu đồng.
Những năm sau này, do nắm bắt kỹ thuật nuôi ốc nhồi tốt hơn nên việc nuôi cá của vợ chồng anh cũng đạt năng suất, sản lượng cá tăng hơn, doanh thu tăng cao hơn. Có năm, vợ chồng anh thu được 70 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 35 – 40 triệu đồng, có năm thu được 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi 50 – 55 triệu đồng.
Qua giao lưu, tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất khác, anh Doanh nhận thấy mô hình nuôi cá truyền thống của anh hiệu quả kinh tế không cao hơn so với nhiều mô hình khác, trong đó có mô hình nuôi ốc nhồi. Sau đó, anh tìm hiểu trên mạng internet về mô hình nuôi ốc nhồi và đến những trại nuôi ốc nhồi để tìm hiểu thêm.
Năm 2018, anh mua 2 vạn con ốc giống, với giá 9 triệu đồng về nuôi trên ruộng 5 sào. Hai vạn ốc giống, sau này đều trở thành ốc bố mẹ, đẻ trứng và nở thành ốc con được mang thả vào ao trước cửa để nuôi làm ốc thịt. Từ đây mô hình nuôi ốc nhồi dần hình thành từng bước thay thế cho mô hình nuôi cá truyền thống kém hiệu quả.
Để phát triển mô hình nuôi ốc nhồi, anh Doanh bỏ 2 ao nuôi cá để nuôi ốc nhồi. 1 ao 5 sào, anh dành cho nuôi bèo tấm làm thức ăn cho ốc, 1 ao trước cửa rộng 1 mẫu được khoanh lại một phần nhỏ diện tích để nuôi ốc bố mẹ sinh sản, còn phần lớn diện tích ao còn lại để nuôi ốc con sau khi nở.
Còn 1 ao rộng 2,5 mẫu anh chị vẫn dành nuôi cá trong khi mô hình nuôi ốc chưa phát triển tới. Những phần diện tích còn lại anh làm giàn trồng bầu, bí, mướp vừa để cung cấp rau xanh cho gia đình, vừa lấy làm thức ăn cho ốc.
Anh Doanh cho biết, gia đình có sẵn ao nên khi chuyển sang mô hình nuôi ốc rất thuận lợi vì không phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà chỉ phải chi phí đầu tư mua ốc giống với chi phí 9 triệu đồng. Còn thức ăn cho ốc chủ yếu là bèo tấm, hoa quả, bầu, bí, mướp, dọc khoai, cây củ dáy… mà những thức ăn này có sẵn ở trang trại, hoặc dễ kiếm. Do không cho ốc ăn thức ăn cám công nghiệp nên hầu như không mất chi phí về thức ăn cho ốc.
Cũng theo anh Doanh, về khâu chăm sóc ốc, không vất vả ngày cho ăn 2 - 3 lần như nuôi gà, lợn mà đối với con ốc, chỉ một lần thả thức ăn nó sẽ ăn trong từ 1 – 3 ngày sau mới phải thả thức ăn xuống ao nên khá nhàn. Tuy là thức ăn có sẵn, dễ kiếm nhưng đòi hỏi thức ăn phải sạch, không bị nhiễm thuốc sâu. Vì nhiễm thuốc sâu ốc ăn sẽ chết. Ngoài thức ăn sạch môi trường xung quanh ao nuôi cũng bảo đảm quang đãng để phòng tránh chuột và đặc biệt không để nguồn nước bị nhiễm thuốc sâu.
Một trong những điều anh Doanh lưu ý, đó là những năm gần đây hay có trận mưa có a xít (dùng để chỉ các chất ô nhiễm công nghiệp có trong nước mưa và nước có độ pH dưới 5.6.
Những hạt axit lẫn vào trong nước mưa khiến cho độ pH giảm xuống. Mưa axit còn hòa tan một số kim loại nguy hiểm trong không khí khiến nước mưa thêm độc hơn) gây ảnh hưởng rất lớn đến con ốc. Vì vậy, khi phát hiện trận mưa nào có a xít, người nuôi cần phải nhanh chóng xử lý ao ngay lập tức bằng cách rắc vôi, men vi sinh để xử lý nước trong ao.
Năm ngoái, cũng vì gặp trận mưa a xít nên anh Doanh thiệt hại kinh tế khá lớn, mất 1 tấn ốc nhồi thương phẩm.
Nói về thị trường tiêu thụ, anh Doanh cho biết, hồi đầu khi có ốc để bán, vợ chồng anh chụp ảnh đăng trên mạng xã hội facebook, zalo để giới thiệu, chào hàng. Dần khách hàng có nhu cầu tiêu dùng ốc thương phẩm hay nhu cầu mua ốc giống về nuôi sẽ liên hệ thông qua facebook, zalo.
Hiện trang trại của anh không đủ cung cấp ốc thịt thương phẩm cho các nhà hàng trong huyện hay các địa phương xung quanh, cũng như ốc giống cho bà con nông dân nhiều nơi chuyển đổi mô hình. Hiện nay, giá ốc nhồi thương phẩm có giá 80 nghìn đồng/kg, còn ốc giống giá 3 triệu đồng/1 vạn con ốc giống.
Clip: Mô hình nuôi ốc nhồi đặc sản của anh Doanh, nông dân xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho thu nhập 400-500 triệu đồng/kg. Thực hiện: Nguyễn Việt.
Mỗi năm, từ nguồn thu từ bán ốc thương phẩm và ốc giống, vợ chồng anh Trần Văn Doanh lãi từ 400 – 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Sỹ Hanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho biết: Mô hình nuôi ốc thương phẩm và ốc giống của hộ gia đình ông Trần Văn Doanh là mô hình nuôi ốc đầu tiên của xã Nam Tân. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi, biết cách tổ chức tổ chức sản xuất hợp lý nên chi phí nuôi rất thấp, vì vậy, vợ chồng ông Doanh nuôi hiệu quả và thu nhập kinh tế rất cao.