Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, qua 5 năm triển khai, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VII các cấp hội trong tỉnh đạt được một số kết quả như các cấp Hội trong tỉnh đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ Hội, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội để triển khai thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân.
Đa số cơ sở hội, chi hội, tổ hội trong toàn tỉnh duy trì sinh hoạt đảm bảo theo quy định của Điều lệ Hội; thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động; phối hợp với chính quyền, các ngành, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế - xã hội
Các cấp Hội đã tổ chức được 8.868 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra, các cấp hội cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của hội; nội dung, phương thức hoạt động Hội có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở; tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương trong giải quyết vướng mắc tại cơ sở.
Đối với quá trình thực hiện Điều lệ Hội, các cán bộ Hội Nông dân trên toàn tỉnh Gia Lai đã chỉ ra một số tồn tại, khó khăn như phát triển hội viên chủ yếu là nông dân, đối tượng học sinh, sinh viên, doanh nhân, nhà khoa học, trí thức còn ít; công tác giám sát, phản biện xã hội của một số đơn vị, cơ sở hội hiệu quả chưa cao; chưa đề xuất nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài ra, Ủy ban kiểm tra của một số cơ sở hội hoạt động hiệu quả chưa cao...
Bên cạnh đó, hầu hết các ý kiến đóng góp đều thống nhất về nội dung, số lượng, thứ tự, bố cục, kết cấu các chương, điều như Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII hiện nay gồm 8 chương, 26 điều. Đối với nội dung điều lệ, phần lớn các ý kiến đóng góp đều thống nhất về nội dung của Điều lệ.
Bà Phan Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai nêu ý kiến, đối với Chương IV về Tổ chức Hội ở cơ sở, đề nghị không tổ chức Đại hội cấp chi hội mà tổ chức Hội nghị Chi hội để bầu Ban chấp hành, Chi hội trưởng, Chi hội phó theo nhiệm kỳ do kinh phí tổ chức đại hội không có, kinh phí hoạt động của chi hội hạn chế.
Bên cạnh đó, Chi hội nông dân nghề nghiệp là mô hình vận động nông dân theo nguyên tắc "5 tự" gồm: tự nguyện; tự giác; tự chủ; tự quản; tự chịu trách nhiệm và "5 cùng" gồm: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Đây là tiền đề để nông dân tham gia xây dựng kinh tế tập thể. Vì vậy, đây chỉ là mô hình giống như các mô hình khác như: mô hình nông dân tham gia tham gia bảo vệ an ninh trật tự, mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường, mô hình câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật", chi hội kiểu mẫu…
"Tôi đề xuất, Điều lệ Hội quy định chi hội nông dân nghề nghiệp thuộc lĩnh vực nông dân tham gia xây dựng phát triển kinh tế tập thể để tránh đồng nhất chi hội nông dân theo địa giới hành chính với chi hội nông dân nghề nghiệp", bà Chi nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Quốc Huy - Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng An ninh Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận ý kiến đóng góp của các cán bộ Hội Nông dân tỉnh Gia Lai trong việc thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội khóa VIII. Đối với các ý kiến, đề xuất cho Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, ông Huy cho hay, tất cả sẽ được tập hợp gửi về Trung ương Hội để xem xét nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.