Tại Hội nghị "Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Sơn La sáng 17/3, ông Chu Quang Tạo, Giám đốc HTX Cây ăn quả Bản Ôn (Mộc Châu, Sơn La) trực tiếp đặt câu hỏi về việc phát triển cây cam ở Sơn La cũng như công nghệ chế biến để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân ở Sơn La, Hòa Bình cũng bày tỏ mong muốn được giải đáp các kỹ thuật nâng cao chất lượng cây có múi, cây mận, mắc ca,... những loại cây đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh Tây Bắc. Các chuyên gia đầu ngành của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc này ngay tại hội nghị.
Một nông dân trồng mận ở Mộc Châu chia sẻ, ông đã nghiên cứu được công thức sản xuất nước chiết xuất từ quả mận xanh rất ngon, ông muốn tiếp tục kết hợp để phát triển công thức này, trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, cố vấn cao cấp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị các chuyên gia của Khoa Công nghệ thực phẩm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) vào cuộc tìm hiểu, hỗ trợ nông dân.
Liên quan đến vấn đề sản xuất an toàn, ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại Hội nghị, ông Đông cũng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ Sơn La ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hội nghị hôm nay tại Sơn La là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện Học viện sẽ tổ chức tại các địa phương trong các vùng trên cả nước nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh trung học phổ thông; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, Học viện có tổng số gần 1.300 cán bộ, trong đó có 12 giáo sư, 81 phó giáo sư, 350 tiến sỹ, 489 thạc sỹ; Học viện có 14 khoa chuyên môn, 10 viện nghiên cứu, 15 trung tâm nghiên cứu và chuyển giao, 02 công ty, 82 mô hình khoa học và công nghệ. Học viện còn có 46 nhóm nghiên cứu mạnh và 15 nhóm doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin off). Trong 10 năm trở lại đây, Học viện đã tạo ra trên 40 giống cây trồng - vật nuôi, 32 tiến bộ kỹ thuật/bằng sáng chế/máy nông nghiệp. Hầu hết được ứng dụng tại các địa phương trong cả nước.
Hiện, Học viện có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu, trong đó Học viện có 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO và 2 bệnh viện nông nghiệp lớn nhất cả nước (Bệnh viện Thú y và Bệnh viện Cây trồng).
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn, thông qua hội nghị này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung. Ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển
"Trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông nghiệp, nông thôn vốn là một thế mạnh đầy tiềm năng của vùng Tây Bắc. Việc định hình ngay từ đầu cho các em học sinh từ trung học phổ thông niềm đam mê khởi nghiệp, sớm khơi dậy ý thức khát vọng vươn lên sau này thực sự trở thành những chủ nhân có đủ tri thức làm giàu trên mảnh đất quê hương mình", GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La nhấn mạnh, thời gian qua, Sơn La đã có nhiều sáng tạo, đổi mới với nhiều mô hình khác nhau, đặc biệt là phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 83.000 ha cây ăn quả (sản lượng đạt trên 362.000 tấn, bán các loại quả thu được 3.921 tỷ, chủ yếu tiền thu được vào các hộ dân); có 18.963 ha cà phê (sản lượng cà phê nhân đạt trên 29.600 tấn, bán được 1.266 tỷ); có 22.459 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.
Hiện nay toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 883 hợp tác xã, 06 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 769 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.
Tuy vậy, theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La, hiện nay trình độ khoa học -công nghệ và chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Từ thực tiễn đó, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La "đặt hàng" Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La triển khai các phương án để tuyển sinh học sinh của tỉnh Sơn La vào học tập tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trọng tâm là tuyển sinh học sinh tại các huyện nghèo Thuận Châu, Sốp Cộp.
Thực hiện kết nối giữa cơ sở đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở xã, huyện, thành phố của tỉnh Sơn La trong việc thực hiện giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo, gắn với nhu cầu thực sự vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp của tỉnh, huyện. Tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, liên kết ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái.
Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông lâm thủy sản và thực phẩm của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo, nghiên cứu, khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng và thương mại điện tử.
Hội nghị "Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn" có sự tham dự của cơ quan Trung ương, các sở, ban, ngành của 05 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Lai Châu và Điện Biên. Đặc biệt, có sự hiện diện của Hiệp hội người tiêu dùng, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.